Nắng ấm, những lộc trời từ cây chè Shan tuyết cổ thụ trên các dãy núi ở Suối Giàng bật nở, mang đến mùa no ấm cho người Mông nơi đây.
Ai đã từng lên xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) đều không khỏi ngỡ ngàng trước bạt ngàn những cây chè Shan tuyết cổ thụ to lớn, thân nhuộm màu trắng mốc, uốn lượn nhiều cành buộc người hái phải trèo lên mới thu hoạch được.
Vùng chè Shan tuyết ở Suối Giàng trải rộng trên diện tích gần 500ha, trong đó diện tích cây mọc tự nhiên gần 300 ha, chủ yếu ở các thôn Giàng Cao, Giàng B, Pang Cáng, Tập Lăng, Suối Lóp…
Suối Giàng hiện có quần thể hơn 40.000 cây chè Shan tuyết cổ thụ từ 100 đến 300 năm. Chè Shan tuyết có phần búp rất to, bên ngoài búp được phủ một lớp lông tơ trắng mịn như tuyết. Chè Shan tuyết đa phần mọc tự nhiên nên cây rất khỏe, không cần chăm bón.
Thời tiết chuyển mùa, những hạt nắng sớm bao phủ đất trời trên vùng núi cao của Suối Giàng, đồng bào Mông nơi đây háo hức, rộn ràng bước vào vụ thu hoạch chè Shan tuyết đầu tiên trong năm. Đón năng lượng mới, hứng trọn tinh hoa của đất trời, vụ chè Shan mùa xuân chính là vụ được người dân địa phương mong đợi nhất.
Không giống như những cây chè ở cùng trung du, việc thu hái chè Shan tuyết trên các đỉnh núi cao hơn 1.000m thường được thu hoạch từ tháng 3 đến thàng 9, tháng 10 hàng năm.
Vụ xuân được coi là vụ thu hoạch lớn nhất và cho sản lượng tốt nhất trong năm. Bởi sau một mùa đông buốt giá, khi những cây chè đón những tia nắng đầu tiên chào mùa xuân đến thì cũng là lúc những búp chè xanh mơn mởn xuất hiện. Những lớp sương tuyết dần tan, đọng lại trên mỗi búp chè tinh túy của đất trời.
Theo chân những chàng trai, cô gái người Mông, men theo các khe suối, qua rừng cây hiểm trở để được chiêm ngưỡng hình ảnh vô cùng hung vĩ của của những cây chè Shan tuyết cổ thụ sừng sững trên các đỉnh núi cao. Có những cây chè đã vài trăm năm tuổi, thấm đượm gió sương của vùng núi Tây Bắc quanh năm sương mù bao phủ.
Một điều đặc biệt làm nên hương vị tuyệt hảo của trà Shan tuyết, đó là cách hái chè của người Mông. Búp chè ngon nhất là búp chè được hái từ buổi sớm, khi mà các giọt sương đêm vẫn còn đọng lại trên những búp chè xanh. Và những búp chè phải được hái trực tiếp bằng đôi tay rạn dày sương gió của người Mông như vậy mới cảm được "độ chín” của chè.
Người dân ở đây cũng thể hiện sự trân trọng, nâng niu món quà vô giá mà trời đất ban tặng. Thu hoạch chè Shan tuyết đòi hỏi người dân phải để ý tỉ mỉ từng chút một. Hái chè một tôm hai lá đúng kỹ thuật. Trong đó loại một tôm, có nguyên búp trên cùng là đặc sản cho giá thành và chất lượng cao nhất.
Khi những búp chè xanh non còn ướt hơi sương được để cho ráo sau đó sẽ được sao sấy luôn trong ngày để giữ được trọn hương vị ngọt thanh, tươi mới của chè. Khi sao, những búp chè cổ thụ còn nổi "tuyết trắng” đó là sinh khí của đất trời Tây Bắc, của vùng đất Suối Giàng còn đọng lại.
Cùng với độ cao hơn 1.000m so với mục nước biển, hương vị của chè Shan tuyết cổ thụ là kết tinh của của đất trời, tự nhiên và sạch 100%. Ở đây, không có sự can thiệp của con người, của chất hóa học hay một tác nhân khác. Quanh năm được bao bọc bởi mẹ thiên nhiên, dù có khi thời tiết khắc nghiệt nhất, những cây chè vẫn phát triển mạnh mẽ để mang lại cuộc sống ngày càng sung túc cho bà con.
(Theo NNVN)
Đăng thảo luận