YênBái - Sau bão số 3, nhiều diện tích bưởi đặc sản trên địa bàn xã Đại Minh, huyện Yên Bình đã không còn màu xanh mà nhuốm màu vàng xám của bùn đất, khô héo. Huyện Yên Bình đang phối hợp với các cơ quan chức năng, ngành chuyên môn cùng bà con nông dân xã Đại Minh đang triển khai các biện pháp nhanh chóng phục hồi những diện tích bưởi bị ảnh hưởng.
>> Đại Minh "khóc" bưởi
Cuối tháng 9, rất đông bà con các thôn ở xã Đại Minh tập trung tại vườn bưởi của gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Thủy, thôn Khả Lĩnh để nghe chuyên gia cao cấp của Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam hướng dẫn về quy trình kỹ thuật nhằm phục hồi những diện tích bưởi bị ngập do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 vừa qua.
Từ những hướng dẫn cụ thể, chi tiết của các chuyên gia và cán bộ ngành nông nghiệp trong việc vệ sinh mặt vườn, thu gom quả rụng; cắt tỉa các cành cây vô hiệu, chồi vượt để hạn chế tiêu hao chất dinh dưỡng; rắc vôi bột khử trùng… nhằm đảm bảo sự phát triển của cây trồng những vụ tiếp theo, gia đình chị Thủy cũng như các gia đình khác trong vùng bưởi đặc sản đã thực hiện nghiêm các bước kỹ thuật theo hướng dẫn với hy vọng "cứu” lại vườn bưởi của gia đình.
Người dân xã Đại Minh nghe chuyên gia của Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam hướng dẫn về quy trình kỹ thuật để phục hồi những diện tích bưởi bị ngập.
Là "thủ phủ" bưởi đặc sản nức tiếng của tỉnh Yên Bái, xã Đại Minh có hơn 450 ha bưởi, nhiều diện tích tuổi đời từ 60 - 70 năm, có cây đến 200 năm tuổi, mỗi năm mang về cho bà con trong xã từ 50 - 60 tỷ đồng. Bưởi Đại Minh cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể.
Xanh tươi, ngọt ngào là thế mà thiên tai tàn nhẫn cướp đi. Cơn bão số 3 lịch sử vừa qua đã khiến gần 100 ha bưởi ở các thôn Khả Lĩnh, Minh Thân, Cầu Mơ bị ngập sâu trong nước làm cho cây rụng lá, rụng quả và chết hàng loạt. Để cứu loại cây trồng chủ lực của bà con, ngăn chặn sự lây lan của các đối tượng dịch hại trên cây ăn quả, huyện Yên Bình đã sớm chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với cấp ủy chính quyền, các tổ chức đoàn thể cùng vào cuộc với người dân kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại để đề xuất phương án khắc phục phù hợp nhằm sớm khôi phục diện tích bưởi bị thiệt hại sau lũ lụt.
Người dân vệ sinh mặt vườn, thu gom quả rụng.
Qua khảo sát của cán bộ Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho thấy, sau ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, một số diện tích bị chết, một số diện tích ở trong trạng thái nếu không có biện pháp khắc phục sớm thì sẽ chậm phát triển và một tỷ lệ nhất định sẽ bị chết dần hoặc không cho năng suất. Do vậy, việc hướng dẫn trực tiếp cho người dân quy trình khắc phục; cách nhận biết, phòng trừ một số loại sâu bệnh thường xảy ra sau lũ và hướng dẫn bà con cách chăm sóc để nâng cao chất lượng các vùng bưởi không bị ngập nước là vô cùng cần thiết.
Từ sự hướng dẫn chu đáo, tỉ mỉ các biện pháp cấp bách phục hồi vườn bưởi của các chuyên gia đến từ Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam và cán bộ ngành nông nghiệp của tỉnh, của huyện cùng sự nỗ lực của người dân xã Đại Minh trong việc rà soát, phân loại các diện tích bưởi, thực hiện chăm sóc theo đúng hướng dẫn kỹ thuật, tin tưởng vùng bưởi đặc sản Đại Minh sẽ sớm hồi phục, phát triển ổn định trở lại và là điểm đến hấp dẫn của du khách khi đến với Đại Minh vào những mùa bưởi năm sau.
Thanh Chi – Mạnh Cường
Tags Yên Bái bão số 3 bưởi Đại Minh Yên Bình
Đăng thảo luận