Đầu tư công là chủ đạo

Theo kế hoạch, tuyến ĐSTĐC Bắc - Nam sẽ bắt đầu từ Ga Ngọc Hồi, Hà Nội, qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại Ga Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh. Lộ trình dự kiến, dự án sẽ được trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tháng 10/2024; khởi công cuối năm 2027; phấn đấu hoàn thành toàn tuyến năm 2035.

Nhà nước và ngành Giao thông đã xác định, đây là công trình động lực, cần được ưu tiên, trong đó nguồn vốn đầu tư và công nghệ là 2 vấn đề lớn đã được suy tính. “Dự án ĐSTĐC sẽ áp dụng hình thức đầu tư công. Bước đầu, nguồn vốn từ ngân sách Trung ương bố trí theo các kỳ trung hạn, vốn góp của các địa phương, vốn huy động có chi phí thấp và ít ràng buộc. Tiếp theo sẽ xác định cụ thể nguồn vốn, đồng thời trong quá trình xây dựng và vận hành, sẽ kêu gọi DN tham gia đầu tư các khu dịch vụ, thương mại tại các ga; đầu tư thêm phương tiện để khai thác khi có nhu cầu” - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy thông tin.

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, chuyên gia Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư ĐSTĐC, kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới, việc phát triển ĐSTĐC nói riêng và hạ tầng GTVT nói chung, trách nhiệm đầu tư là của Nhà nước. Do đó, đầu tư công sẽ là chủ đạo trong đầu tư phát triển ĐSTĐC.Hạ tầng là Nhà nước gánh, còn trang thiết bị cho khai thác sẽ cho DN tư nhân tham gia vào và họ thu hồi vốn dựa trên phần này.” – ông Nguyễn Ngọc Đông nói.

Về kết cấu hạ tầng, dẫn chứng về năng lực của DN trong nước, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết, cầu dây văng như Mỹ Thuận 2, DN trong nước có thể thực hiện 100% từ thiết kế đến thi công. Làm hầm có những DN hàng đầu như Sơn Hải, Sông Đà 10, Đèo Cả đã tự chủ toàn phần;

Về đoàn tàu, chúng ta cũng đã nâng cấp toàn bộ các toa xe cũ thành toa xe chất lượng cao, có 2 cơ sở công nghiệp đường sắt như Nhà máy Xe lửa Dĩ An, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm phát triển từ thời Pháp, nay có đầy đủ máy móc, thiết bị, bao gồm các móc thiết bị hiện đại như máy cắt CNC…

“Phải khẳng định rằng không phải chúng ta không có gì mà chúng ta đã có đội ngũ có thể làm tất cả về kết cấu hạ tầng” - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy khẳng định.

Trước đó, tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với DN xây dựng công trình trọng điểm quốc gia, một DN ngành thép cũng khẳng định có thể sản xuất thép làm đường ray ĐSTĐC. Một số DN khác muốn được tham gia đầu tư, xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết, thời gian qua, nhiều đơn vị thi công các gói thầu lớn thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 đang quyết tâm hoàn thành dự án vào cuối năm 2025. Sau năm 2025, nhân lực, máy móc, thiết bị của các DN sẽ tồn đọng, kiến nghị Chính phủ có cơ chế nhằm tạo điều kiện cho các DN được tiếp tục tham gia dự án ĐSTĐC Bắc - Nam.

Cần cơ chế đặc thù

ĐSTĐC Bắc - Nam là dự án lớn chưa từng có tiền lệ, đòi hỏi nước ta phải tập trung nguồn lực và công nghệ cao. Nhà nước, Bộ GTVT, các chuyên gia, DN đều lường trước được rằng, trong quá trình đầu tư, xây dựng, sẽ có vấn đề phát sinh đối với cả cơ quan quản lý Nhà nước và DN tham gia đầu tư xây dựng và vận hành khai thác.

Do đó, cần có một cơ chế đặc thù để nâng cao khả năng thu hút sự quan tâm của DN trong nước trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước - DN - xã hội.

Hiện nay, công nghiệp đường sắt Việt Nam đang dừng lại ở một trình độ tương đối khiêm tốn, do đó, hoạt động đầu tư, xây dựng; khai thác, vận hành và duy tu, bảo dưỡng ĐSTĐC cần phải được tính toán kỹ càng.

Theo các chuyên gia giao thông, để thu hút DN tư nhân trong nước tham gia đầu tư xây dựng dự án ĐSTĐC, Chính phủ cần hoàn thiện khung pháp lý và chính sách đầy đủ, tạo sự thuận lợi cho nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư dự án đường sắt nói chung và ĐSTĐC nói riêng, trong có có phân chia rủi ro phù hợp.

Đồng thời cần chính sách hỗ trợ của Chính phủ liên quan đến vấn đề nguồn vốn, thuế, bảo lãnh và lựa chọn các tập đoàn tư nhân có năng lực vững mạnh, với quy trình đấu thầu minh bạch và cạnh tranh công bằng.

Phía Tập đoàn Đèo Cả đề xuất việc tổ chức thực hiện dự án ĐSTĐC nên tách thành 2 hợp phần. Trong đó, hợp phần 1 bao gồm các hạng mục cầu, đường, hầm cần giao cho DN trong nước thực hiện tương tự các dự án đường bộ cao tốc vừa qua. Hợp phần 2 gồm phần đầu máy toa xe, hệ thống thông tin tín hiệu… giao cho DN trong nước liên danh với DN nước ngoài.

Trong cuộc họp về tình hình triển khai ĐSTĐC ngày 25/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh, trong dự án ĐSTĐC Bắc - Nam phải có cơ chế cho địa phương, DN tư nhân.

Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ đã mở cánh cửa chào đón và tạo động lực để các DN tư nhân trong nước có tiềm lực tham gia vào đại dự án này. Động thái này cũng khuyến khích các DN đã ấp ủ ý định và quyết tâm tìm hiểu công nghệ, quy trình, gửi người đi đào tạo, tìm kiếm các đối tác trong và ngoài nước cùng chí hướng đầu tư.