Đại diện Ban Nghiên cứu Kinh tế tư nhân:
Để phát triển xanh, bền vững cần rút ngắn khoảng cách lớn về thông tin
(Dân trí) - Đại diện Ban IV cho rằng cơ quan Nhà nước đang tích cực hoàn thiện khung pháp lý, nhưng khâu phổ biến chính sách đến doanh nghiệp vẫn còn là một khoảng cách lớn về mặt thông tin, cần được khắc phục.
Việt Nam tích cực xanh hóa nền kinh tế
Tại hội thảo Đối tác khí hậu toàn cầu 2024 do Công ty Quản lý quỹ toàn cầu responsAbility tổ chức chiều 13/5, bà Trịnh Thị Hương, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận định tác động từ biến đổi khí hậu không còn là vấn đề phải tranh cãi, khi nó đang ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động nhất từ biến đổi khí hậu. Các tác động từ biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đời sống của người dân. Điều này có thể dẫn đến làm suy yếu tăng trưởng kinh tế, gây ra thiệt hại lớn cho quốc gia.
Bà Trịnh Thị Hương, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Ảnh: responsAbility).
Theo bà Hương, Chính phủ thời gian qua đã tích cực có nhiều hành động nhằm hướng tới mục tiêu xanh hóa nền kinh tế. Theo đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chiến lược, chương trình, chính sách để hiện thực hóa mục tiêu này.
Việc kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân, doanh nghiệp, khơi thông nguồn đầu tư tác động thực hiện các mục tiêu bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu là vô cùng quan trọng, bà Hương nêu rõ.
Bà Hương cho biết, cùng với nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động tăng cường hợp tác, phối hợp với các cơ quan, đối tác phát triển để triển khai chương trình, sáng kiến tăng cường hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững, chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM, cho biết phát triển xanh và bền vững là xu hướng tất yếu, mục tiêu của mọi quốc gia, và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.
Việt Nam đã đề ra chương trình hành động quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, cũng như những đề án phát triển liên quan.
Đối với ngành ngân hàng, ngân hàng trung ương thể hiện sự quan tâm đến các chương trình và hạng mức tín dụng phù hợp với mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm phát thải carbon cùng hướng tới tăng trưởng xanh.
Theo ông Lệnh, cơ quan quản lý tiền tệ luôn khuyến khích các tổ chức tín dụng tập trung huy động các nguồn vốn xanh và triển khai các gói hỗ trợ tài chính chú trọng yếu tố phát triển xanh và bền vững.
Đồng thời, ông cho rằng các quy chế và quy trình áp dụng tín dụng xanh không có sự khác biệt với tín dụng thông thường, sự khác biệt ở việc phân loại ngân sách (vốn đầu tư, vốn vay, nợ vay) theo mục đích đầu tư và vận hành của từng dự án.
Ngân hàng Nhà nước trong năm 2023 cũng đã ban hành quyết định 1408 về kế hoạch hành động ngành ngân hàng tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.
"Để đạt được mục tiêu giảm phát thải ròng về 0, phát triển tài chính xanh là cả một quá trình dài, cần có sự liên kết hỗ trợ từ các quỹ, tổ chức tài chính trong và ngoài nước, doanh nghiệp và Nhà nước", ông Lệnh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM (Ảnh: responsAbility).
Yêu cầu bền vững không chỉ là tự nguyện mà còn là trách nhiệm
Theo bà Trịnh Thị Hương, khu vực tư nhân, lực lượng doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đóng góp tích cực cho kinh tế xã hội quốc gia. Tuy nhiên, các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn hạn chế, với gần 98% có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, cũng như yêu cầu ngày càng gia tăng từ đối tác, nhà đầu tư, nhà mua ở những thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, … về các tiêu chuẩn sản xuất, chuỗi cung ứng bền vững, thuế carbon... đã tạo sức ép và thách thức rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam.
"Yêu cầu bền vững không chỉ là sự tự nguyện mà còn là trách nhiệm tuân thủ nếu không sẽ bị tụt hậu, bị loại khỏi cuộc chơi", đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp đánh giá.
Trước tình hình đó, với vai trò là cơ quan tham mưu chính sách cho Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Phát triển doanh nghiệp đang dần cải thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy, hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng phát triển bền vững, bảo đảm kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa hiệu quả kinh tế với trách nhiệm xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường.
Cũng tại hội nghị, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), cho biết để doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh, rõ nguồn thông tin xanh, Ban IV đã khởi động chương trình nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp.
Chương trình không dừng ở việc xây dựng tư liệu, mà định kỳ hàng quý, Ban IV sẽ cùng với các đối tác trong nước và quốc tế, phân tích những chính sách mới, đang dự thảo có ảnh hưởng đến cộng đồng doanh nghiệp.
Theo khảo sát của Ban IV cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp phản ánh chưa sẵn sàng chuyển đổi xanh do chưa tiếp cận được đầy đủ nguồn thông tin, chính sách, hướng dẫn tổ chức thực hiện.
Bà Thủy cho rằng, cơ quan Nhà nước đang tích cực cải thiện, hoàn thiện khung pháp lý, nhưng khâu phổ biến chính sách đến cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn là một khoảng cách lớn về mặt thông tin, cần được khắc phục. Khoảng cách không chỉ ở giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý, mà còn chính giữa các cơ quan Nhà nước với nhau, giữa trung ương và địa phương.
Tài chính xanh, chuyển đổi xanh vẫn còn là một khái niệm mới, cùng một khái niệm nhưng cách hiểu trong đầu lại khác nhau. Do đó, đại diện Ban IV cho rằng mục tiêu gần, các đơn vị cần tìm ra một "ngôn ngữ" chung, tiếp cận chính sách cụ thể, hiểu chung một khái niệm.
Đăng thảo luận