Phát huy thế mạnh lâm nghiệp, huyện Ba Chẽ tiếp tục đưa lâm nghiệp thành ngành mũi nhọn trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, đồng thời nâng cao tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn toàn huyện.

Huyện miền núi Ba Chẽ có diện tích rừng lớn được tỉnh Quảng Ninh quy hoạch là vùng trọng điểm thay đổi cây rừng, có tỷ lệ trồng lim xanh, dổi, lát hoa cao nhất.

Thời gian qua, huyện đã triển khai nhiều chủ trương, giải pháp phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị nhằm góp phần đa dạng sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Ba Chẽ (Quảng Ninh) thúc đẩy lâm nghiệp thành ngành mũi nhọn  第1张 Ảnh minh hoạ

Nhận thức rõ lợi ích từ trồng cây gỗ lớn, được sự tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, nhiều hộ gia đình ở Ba Chẽ đã mạnh dạn chuyển một phần diện tích cây rừng ngắn ngày sang trồng các loại cây gỗ lớn lâu năm có giá trị kinh tế cao như lim, lát, dổi, phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương.

Diện tích trồng rừng mới toàn huyện trong 3 năm qua đạt hơn 10.730,5ha, bình quân mỗi năm trồng mới hơn 3.500ha rừng. Riêng diện tích trồng rừng gỗ lớn 2.301ha, chiếm 21,4% tổng diện tích rừng trồng mới; trong đó trồng gỗ lớn cây lim, lát, giổi là 674,1ha, còn lại là keo Úc, thông mã vĩ, sồi phảng.

Bên cạnh những khu vực được quy hoạch, người dân Ba Chẽ trồng gần 37.000 cây lâm nghiệp phân tán trên những diện tích đất nhỏ lẻ, không nằm trong quy hoạch trồng rừng tập trung, nhằm góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng; rừng trồng được chăm sóc, sản lượng tăng trưởng bình quân 13,2m3/ha/năm.

Để có được kết quả này, huyện đã thành lập tổ công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, cá nhân đăng ký thực hiện hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn, trồng cây bản địa tại các thôn, bản. Người dân đăng ký trồng rừng cây gỗ lớn được hỗ trợ 100% kinh phí mua cây giống, tối đa 15 triệu đồng/ha và được hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp không quá 20 triệu đồng/ha.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Chẽ Vi Thành Vinh cho biết: Từ đầu năm 2022 đến nay, huyện đã trồng được hơn 430ha rừng gỗ lớn, chủ yếu là lim, lát và dổi, trong đó Ban Quản lý rừng phòng hộ Ba Chẽ có diện tích trồng lớn nhất với hơn 260ha, Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Ba Chẽ hơn 103ha. Phần lớn diện tích trồng rừng tập trung nhiều vào khối doanh nghiệp, tổ chức trồng rừng, còn người dân tham gia chưa nhiều.

Thực hiện đề án phát triển rừng trồng gỗ lớn giai đoạn 2019-2025, huyện Ba Chẽ xác định mục tiêu tiếp tục nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh rừng trồng và phát triển lâm nghiệp bền vững, gắn kết theo chuỗi từ trồng rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị lâm sản hàng hóa, phấn đấu đến năm 2025, hình thành và phát triển ổn định vùng gỗ lớn với quy mô 5.000ha, đáp ứng nhu cầu gỗ lớn phục vụ chế biến và xuất khẩu.

Thực tế cho thấy, phát triển rừng trồng gỗ lớn phục vụ chế biến gỗ xuất khẩu và các ngành nghề chế biến gỗ còn những hạn chế nhất định. Trước hết là do cơ chế hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn chưa thu hút và động viên người trồng rừng.

Bên cạnh đó, do thời gian thu hồi vốn từ trồng rừng gỗ lớn quá dài, trong khi điều kiện kinh tế của người dân vẫn còn nhiều khó khăn cho nên chủ trương này chưa được người trồng rừng hưởng ứng. Ðể khắc phục những hạn chế trên, ngành lâm nghiệp đang tích cực triển khai đề án cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng, đồng thời kết hợp với các cấp chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức nhân dân về lợi ích của trồng rừng.

Yên Minh