Luôn phải che miệng khi cười vì hàm răng khấp khểnh, Ngọc, 23 tuổi, ở Cà Mau, quyết định niềng răng dù bác sĩ đánh giá chỉ cải thiện được 70%.
Gần cuối năm, công việc của Lâm Như Ngọc trở nên bận rộn hơn. Cô quản lý công việc kinh doanh của gia đình, thường xuyên gặp gỡ nhiều người. Thay vì đeo khẩu trang, Ngọc tự tin với gương mặt thon gọn, hàm răng đều tăm tắp, được ưu ái đặt cho biệt danh "vịt hóa thiên nga".
Trước đây, Ngọc phải chung sống với hàm trên khấp khểnh, hàm dưới bị móm, răng không đều, ăn nhai khó khăn vì không đúng khớp cắn. "Chỉ cần một ánh nhìn, tôi lại nghĩ họ đang nói xấu mình", Ngọc nói. Cô quyết định niềng răng, song bác sĩ đánh giá chỉ cải thiện được 70-80% và thời gian chăm sóc khá dài.
Năm đầu tiên, Ngọc tập làm quen với mắc cài, dây siết để kéo răng về đúng vị trí. Mỗi tháng một lần, cô đi xe lên TP HCM để tái khám, về đến nhà thì bị đau nhức hàm, ăn nhai khó khăn. "Cảm giác răng lơ lửng trong miệng", cô nói.
Trong 6 tháng đầu, cô giảm 7 kg vì ăn uống không ngon miệng, chỉ ăn được cháo. Niềng răng khiến Ngọc bị hóp má, hóp thái dương, "trông như già đi 5-6 tuổi". Một số khó khăn khác như nhiệt miệng, mắc cài cứa vào môi, viêm lợi và khó vệ sinh răng, gãy mắc cài do cắn. Đây là giai đoạn răng thưa, xấu, môi bị cộm và khó nói chuyện nhất. Khi đi ăn, cô phải mang theo chiếc kéo nhỏ để cắt. Khi ngủ, Ngọc phải dùng sáp niềng răng để giảm viêm, loét miệng.
Năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát, Ngọc không tái khám đúng lịch khiến răng bị xô lệch nhiều, thời gian điều trị kéo dài hơn. Bác sĩ điều chỉnh lại phác đồ, quá trình xiết răng cũng nghiêm ngặt và chặt chẽ hơn. Sau một năm, răng về đúng vị trí, cô bắt đầu cố định răng. Lúc này, Ngọc dần lấy lại tự tin vì hàm răng đều, đẹp và thẩm mỹ.
Tháng 10/2023, Ngọc được tháo niềng, tổng thời gian kéo dài 5,5 năm. Ngắm mình trong gương, Ngọc tâm đắc với đường nét trên gương mặt hài hoà, sắc sảo, đặc biệt là hàm răng hạt bắp giúp cô tự tin và cười nhiều hơn. "Cảm giác như lột xác thành người khác", Ngọc nói.
Hình ảnh của Ngọc trước và sau khi niềng. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cũng đeo niềng suốt 4,5 năm khiến Nguyễn Minh Tuấn, 22 tuổi, ở Cần Thơ gặp nhiều khó khăn. Tuấn cho biết răng bị hô do cấu tạo xương, bị mọi người miệt thị. Chàng trai không dám soi gương, tự ti về ngoại hình. Cuối năm lớp 11, mẹ đưa Tuấn đi kiểm tra nha khoa, bác sĩ cho rằng niềng răng chỉ cải thiện 30-40 % và rất tốn kém. Cuối cùng, Tuấn vẫn quyết định thẩm mỹ để thay đổi bản thân, "có ngoại hình sáng sủa thì tương lai mới tốt đẹp được".
Trong thời gian niềng răng, Tuấn phải nhổ 6 răng, bị giảm 3 kg trong vài tháng đầu, nhiệt miệng, không thể ăn uống, đau nhức răng, chỉ ăn được cháo. Sau vài tháng, Tuấn thấy răng bắt đầu vào khuôn, khung hàm đều hơn nên khuôn mặt mình cũng thay đổi nhiều. Lúc này, cơn đau nhức cũng giảm nhiều, ăn nhai dễ hơn. Cuối năm 2023, Tuấn được tháo niềng, "không nhận ra mình trong gương".
"Nếu chọn lại, mình vẫn sẽ chọn niềng răng và đây là quyết định đúng đắn nhất để thay đổi cuộc đời mình", chàng trai nói.Sau khi niềng răng, Tuấn thay đổi phong cách ăn mặc để phát triển bản thân. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Theo báo cáo do Ken Research thực hiện, thị trường dịch vụ nha khoa tại Việt Nam dự kiến đạt 2,4 tỷ USD vào năm 2026 một phần do nhu cầu ngày càng tăng về thẩm mỹ và nha khoa thẩm mỹ. Bác sĩ Khiếu Thanh Tùng, Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết niềng răng nắn chỉnh răng bao gồm các biện pháp để di chuyển và sắp xếp các răng theo chỉ định, nhằm đáp ứng nhu cầu về thẩm mỹ và đạt khớp cắn tốt. Trong quá trình niềng, bác sĩ cũng có thể can thiệp một phần lên cấu trúc xương và khớp thái dương hàm.
Niềng răng giúp sắp xếp các răng về đúng vị trí để ăn nhai tốt hơn. Phương pháp này còn cải thiện về mặt thẩm mỹ và khớp cắn. Tuy nhiên, niềng không làm thay đổi hình thể và màu sắc của răng hay sức khỏe của men răng. Với những trường hợp sai lệch khớp cắn nhiều do sai lệch từ xương, niềng răng đơn thuần sẽ không đủ để cải thiện về thẩm mỹ.
"Trường hợp này phải kết hợp niềng răng và phẫu thuật chỉnh hình xương để điều trị", bác sĩ nói.
Bác sĩ Hứa Thị Xuân, Phòng khám Nha khoa Win Smile, cho biết hai kỹ thuật niềng răng hiện nay là niềng răng mắc cài và niềng răng máng trong suốt. Trong đó, niềng máng trong suốt có tính thẩm mỹ cao, dễ dàng tháo lắp, thuận tiện cho việc ăn uống, vệ sinh. Niềng mắc cài thì có hiệu quả cao trong những ca phức tạp phải kết hợp nhiều khí cụ khác nhau như nong hàm, nhổ răng...
Niềng răng giúp khắc phục những khuyết điểm, đem lại cho bạn hàm răng đều đặn, đường cười chuẩn và khuôn miệng duyên dáng hơn. Độ tuổi tốt nhất là từ 12-16 tuổi, khi răng vĩnh viễn đã mọc ổn định, xương hàm còn phát triển, việc dịch chuyển các răng sẽ dễ dàng hơn.
"Nếu sai lệch về răng như răng chen chúc khấp khểnh, răng thưa, răng hô, móm, dai khớp cắn như khớp cắn hở, khớp cắn sâu, cắn chéo thì nên niềng sớm", bác sĩ nói.
Theo bác sĩ, niềng răng ko gây nguy hiểm, nhưng trường hợp mắc bệnh lý nha chu nghiêm trọng, có vấn đề về khớp thái hàm, xương hàm quá yếu hoặc mắc bệnh lý như đa tháo đường, tim mạch... cần kiểm tra sức khỏe kỹ trước khi niềng.
Bác sĩ Xuân đang thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Tuy nhiên, không phải cứ niềng là đẹp, giúp khuôn mặt nhỏ, cằm Vline hay mũi cao hơn... Thực tế, niềng răng sẽ không tác động lên khung xương mà chỉ tác động lên răng làm răng di chuyển về đúng vị trí, khớp nhai ổn từ đó giúp khuôn mặt chúng ta trở nên hài hoà hơn thôi. Trường hợp bất thường do cấu trúc xương hàm thì cần phải kết hợp với phẫu thuật.
Bác sĩ khuyên mọi người nên tìm hiểu và trao đổi kỹ hơn trước niềng để nắm được tình trạng răng, kế hoạch điều trị. Bệnh nhân nên tuân thủ đúng các hướng dẫn của bác sĩ về việc ăn uống, chăm sóc vệ sinh răng miệng và tái khám định kỳ.
Thùy An
Đăng thảo luận