Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội: Có vỉa hè rất nhỏ nhưng cây lại rất lớn
(Dân trí) - Hà Nội sẽ rà soát, nếu kích thước vỉa hè đủ điều kiện thì mới đề xuất trồng cây hoặc trong trường hợp cây trồng ở vỉa hè hay cây trồng ở giải phân cách cũng phải xác định rõ chứ không thể lẫn lộn.
Thay thế cây nguy cơ mất an toàn
Hà Nội hiện có khoảng 1.165.000 cây bóng mát (trồng trên 1.310 tuyến đường, phố, công viên, vườn hoa, địa điểm công cộng và trong khuôn viên tổ chức, cá nhân), trong đó Sở Xây dựng quản lý hơn 700.000 cây xanh, UBND cấp huyện quản lý hơn 461.000 cây.
Ông Nguyễn Thế Công, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết theo thống kê chưa đầy đủ, sau cơn bão Yagi (bão số 3), có khoảng 11.000 cây xanh đô thị do Sở Xây dựng quản lý bị đổ, bật gốc và hơn 3.000 cành gãy.
Trong số này có khoảng 3.500-4.000 cây có thể cứu (trồng, dựng lại) được; trong đó có nhiều cây quý hiếm, cây di sản, cây được bảo tồn, cây cổ thụ.
Ông Nguyễn Thế Công, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội (Ảnh: Mạnh Quân).
Ông Công cho biết thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, các đơn vị đã rà soát, đánh giá cụ thể trên tinh thần cứu tối đa các cây.
Về quy trình cứu cây, có 5 bước, trước hết các đơn vị đánh giá, phân loại theo chỉ đạo của UBND thành phố. Tiếp đó sẽ rà soát đánh giá từng cây cụ thể.
Bước sau là xác định phương án tỉa tán để chống, dựng lại cây hoặc chuyển sang vị trí lân cận để trồng; việc trồng lại cây xanh thực hiện cắt tỉa tán cây cân đối, hài hòa theo từng chủng loại cây đảm bảo theo đúng quy trình, quy định tại Quyết định số 34/2020/QĐ-UBND ngày 8/12/2020 của UBND TP Hà Nội.
Tiếp đó là chuẩn bị đất màu, đào hố trồng cây, thực hiện chống cọc đối với cây trồng dựng lại; cây trước khi trồng dựng lại được cắt bỏ rễ bị hỏng, thối, phun thuốc kích thích ra rễ, ra lá và cuốn vải hoặc lưới lên thân nhằm hạn chế mất nước.
Sau khi chống dựng, trồng lại cây xanh, các đơn vị thực hiện chăm sóc giúp cây sinh trưởng và phát triển ổn định.
Thời gian qua, người dân phản ánh việc có nhiều cây cổ thụ sức khỏe không đảm bảo, nguy cơ cao mất an toàn trong mùa mưa bão...
Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Thế Công, "cây xanh cũng như con người, khi già thì sức khỏe không đảm bảo nữa". Việc đánh giá sức khỏe cây là việc làm thường xuyên của các đơn vị duy tu, duy trì.
Ông Công khẳng định với những cây già cỗi dù chưa gãy đổ nhưng nếu có nguy cơ rủi ro, các đơn vị cũng sẽ báo cáo để chuyển, thay thế. Trước khi xử lý cây, các đơn vị sẽ lập biên bản, tuyên truyền đến với từng người dân theo quy định, ví dụ như cây này bị mục thân, cây này nguy cơ rủi ro, nguy hiểm…
Rà soát toàn bộ cây xanh
Sau cơn bão Yagi (bão số 3), Thành ủy và UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Xây dựng phải rà soát, đánh giá lại từ chủng loại cây, các vị trí trồng cây, các điều kiện thổ nhưỡng cũng như các không gian để cây xanh phát triển...
Trên phố Phủ Doãn, khu vực trước cửa sau Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) có một cây xanh bật gốc đổ đè lên xe máy trên vỉa hè (Ảnh: Mạnh Quân).
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết thực hiện chỉ đạo, sở sẽ tiếp tục tổ chức các hội thảo, sẽ mời các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu sâu về cây xanh đô thị... để xin ý kiến và sẽ có báo cáo đánh giá tổng quát, tổng thể việc trồng cây xanh trên địa bàn TP Hà Nội, từ chủng loại xây đến các vị trí trồng cây...
Theo ông Công, trên địa bàn Thủ đô hiện có nhiều chủng loại cây, đặc biệt Hà Nội có nhiều cây được trồng từ thời xa xưa. Trong quá trình thành phố phát triển về hạ tầng kỹ thuật như mở rộng đường, xén vỉa hè… dẫn đến kích thước của vỉa hè cũng thay đổi.
Cùng với sự phát triển của thành phố, của xã hội thì các hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác cũng phát triển theo, trên vỉa hè hiện nay có rất nhiều hạ tầng kỹ thuật khác, ông Công cho rằng đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến sự phát triển, sinh trưởng của cây.
"Tới đây, Sở Xây dựng sẽ rà soát, đánh giá một cách tổng thể. Ví dụ nếu kích thước vỉa hè đủ điều kiện thì mới đề xuất trồng cây hoặc trong trường hợp cây trồng ở vỉa hè hay cây trồng ở giải phân cách cũng phải xác định rõ chứ không thể lẫn lộn.
Hiện trạng cho thấy có những vỉa hè rất nhỏ nhưng cây lại rất lớn, như thế mục đích vỉa hè không còn nữa vì vỉa hè là dành cho người đi bộ, giao thông cho người đi bộ và trên đó để chúng ta bố trí các hạ tầng kỹ thuật khác", đại diện Sở Xây dựng Hà Nội nói.
Vỉa hè hẹp có thể trồng cây dây leo hoặc cây trồng chậu
TS.KTS Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Chi hội KTS Cảnh quan Việt Nam; Trưởng bộ môn Kiến trúc cảnh quan, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội), cho biết nhiều chủng loại cây được trồng tại những tuyến đường phố, vỉa hè hay thậm chí dưới gầm cầu vượt đường sắt trên cao chưa phù hợp, do đó hiệu quả sử dụng chưa phát huy được tối đa.
Theo ông Tuấn, để giải quyết được vấn đề này, các chuyên gia làm dự án họ sẽ có kịch bản chọn loài nào cho phù hợp về hình thái, kích thước. Đơn cử tại những vỉa hè hẹp, chúng ta có thể thay thế cây bóng mát bằng những cây dây leo hoặc cây trồng chậu.
Tùy thuộc vào từng tuyến phố mà chúng ta có kịch bản để đem lại hiệu quả, người dân vẫn thấy màu xanh nhưng cũng tăng được diện tích cây xanh.
Đăng thảo luận