Đến nay đã có khoảng 450.000m³ cát biển được đưa về công trường cao tốc Hậu Giang - Cà Mau. Kết quả thí nghiệm chỉ tiêu độ mặn trong khu vực dùng cát biển làm nền đường đều trong ngưỡng cho phép.
Sà lan chở cát biển về công trường cao tốc Hậu Giang - Cà Mau tại huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau - Ảnh: THANH HUYỀN
Bộ Giao thông vận tải cho biết như vậy trong công văn gửi Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về việc sử dụng cát biển làm nền đường cao tốc Hậu Giang - Cà Mau cũng như hoạt động quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản cát.
Theo Bộ Giao thông vận tải, việc thí điểm sử dụng cát biển đắp nền đường đã thực hiện trên phạm vi đoạn tuyến hoàn trả đường tỉnh 978 thuộc dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau và đã có kết quả đánh giá đạt yêu cầu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành dự án "Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long".
Cử tri đề nghị cân nhắc dùng cát biển làm đường cao tốc, Bộ Giao thông vận tải nói gì?ĐỌC NGAY
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có hướng dẫn về áp dụng tiêu chuẩn độ nhiễm mặn của nước nuôi trồng thủy sản, ngưỡng chịu mặn của một số loài cây trồng làm cơ sở cho việc sử dụng cát biển cho các dự án giao thông…
Từ các kết quả và hướng dẫn trên, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản hướng dẫn các địa phương sử dụng cát biển đắp nền đường.
Hiện nay, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đang tiếp tục thí điểm mở rộng sử dụng cát biển làm nền đường với tuyến chính của cao tốc Hậu Giang - Cà Mau (từ km81 - km126+223) qua các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau. Đây là khu vực có môi trường đã nhiễm mặn cao hơn độ mặn của cát nhiễm mặn khi sang mạn để đưa về công trình.
Bộ Giao thông vận tải cho biết thêm đã chỉ đạo chủ đầu tư căn cứ vào kết quả thí nghiệm của cát nhiễm mặn tại mỏ dự kiến khai thác, cần có biện pháp xử lý cát nhiễm mặn để giảm độ mặn. Căn cứ độ mặn sau khi xử lý để xác định phạm vi sử dụng cát nhiễm mặn; theo dõi, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ độ mặn trước và trong quá trình thi công…
Đến thời điểm hiện nay, các nhà thầu đã đưa về công trường cao tốc Hậu Giang - Cà Mau khoảng 450.000m3 cát biển. Hằng tháng, chủ đầu tư, các nhà thầu, Viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải đã phối hợp với các sở, ngành, các cấp chính quyền xã, huyện của các địa phương khu vực sử dụng cát biển lấy mẫu hiện trạng môi trường nền dọc tuyến.
Kết quả thí nghiệm chỉ tiêu độ mặn đều trong ngưỡng cho phép và không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản của người dân khu vực dự án.
Đăng thảo luận