Chống dịch Covid-19 và GPS của cộng đồng người Việt tại Ba Lan

Tính đến thời điểm hiện tại, cộng đồng đã ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm, trong đó có 18 ca tử vong, cho thấy người Việt tại Ba Lan đang phải vật lộn trong làn sóng dịch thứ ba đầy khắc nghiệt này...

Ngày 18/4, bản tin Quê Việt của cộng đồng người Việt tại Ba Lan thông báo về ca tử vong mới do Covid-19.

Đã thành thông lệ, những người Việt tại Ba Lan chào ngày mới với một bản tin nóng mang tên CafeCoVy lúc 10h30 ngay sau khi Bộ Y tế chính thức công bố dữ liệu cập nhật tình hình dịch bệnh tại Ba Lan, Việt Nam, châu Âu và thế giới. Trong bức tranh ảm đạm ấy vẫn có những niềm hy vọng với chút ánh sáng được thắp lên. Bà con tại đây phần nào an tâm hơn vì họ luôn có Ban Hỗ trợ và Phòng chống (HT&PC) Covid-19 được tổ chức một cách bài bản từ đầu và ngày càng chuyên nghiệp.

Chống dịch Covid-19 và GPS của cộng đồng người Việt tại Ba Lan  第1张

Đường phố Ba Lan những ngày làn sóng thứ ba của dịch Covid-19. (Ảnh: NVCC)

Bắt sóng chuyển đổi số

Trò chuyện với TG&VN, Phó Ban HT&PC Covid-19, Phó Chủ tịch Hội người Việt tại Ba Lan Trần Trọng Hùng cho biết ông đã viết qv.wolka.center - một app cập nhật dữ liệu theo thời gian thực từ trang thông tin của Bộ Y tế trong nước và trang worldometer của Bộ Y tế Ba Lan. Dựa trên các thông tin đó, từ tháng 2/2020, ông cùng các anh em đã làm bản tin CafeCoVy đều đặn mỗi ngày.

Ban HT&PC được thành lập gồm đại diện các tổ chức cộng đồng, nòng cốt là Hội người Việt Nam, đại diện Đại sứ quán Việt Nam, các trung tâm thương mại có người Việt buôn bán và làm việc. Ngay khi xuất hiện ca lây nhiễm đầu tiên trong cộng đồng, Ban HT&PC Covid-19 đã chia thành các tiểu ban hoạt động tích cực và hiệu quả, đặc biệt trên nền tảng mạng xã hội.

Nếu như các bộ phận hỗ trợ tài chính chịu trách nhiệm gây quỹ, hỗ trợ bà con gặp khó khăn và các nạn nhân, ủng hộ y bác sĩ và chính phủ Ba Lan, tiểu ban y tế sẽ tư vấn chữa bệnh, hướng dẫn sử dụng các phác đồ điều trị, hỗ trợ bà con gọi cấp cứu kịp thời. Trên nền tảng Facebook, nhóm tiểu ban y tế hoạt động như một trung tâm đầu mối xử lý các nhu cầu hỗ trợ bà con: xin xét nghiệm miễn phí, thủ tục cách ly, khám chữa bệnh, phiên dịch cho bà con khi gọi bác sĩ.

Các thành viên của tiểu ban, đứng đầu là ông Lê Văn Mừng - Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan là những tình nguyện viên có kinh nghiệm hỗ trợ bà con chữa bệnh trong suốt một năm qua theo các phác đồ được điều chỉnh phù hợp với tình hình hiện tại.

Một bộ phận quan trọng khác là tiểu ban thông tin truyền thông (đầu mối là báo Quê Việt và fanpage trên Facebook) sẽ cập nhật những tin tức hằng ngày, thậm chí hằng giờ về chính sách cách ly, chữa bệnh, chính sách dịch tễ của chính phủ, các buổi hội thảo về chống dịch, giáo dục và đời sống trong điều kiện sống chung với dịch bệnh.

"Nhiễm Covid-19 như đi trong một bãi đầm lầy, mỗi một lần trượt, ta bị tụt xuống một chút. Tuy nhiên, với ba chiếc pháo cứu sinh này, chỉ cần bà con tin cậy, chúng tôi luôn sẵn sàng là GPS chỉ điểm", ông Trần Trọng Hùng nói.

Trước diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, Ban HT&PC Covid-19 phối hợp với Trung tâm Y tế cộng đồng hướng dẫn bà con thực hiện tiêm chủng theo các kỳ hạn. Trên trang Facebook của Ban, phần Inbox còn được tổ chức thành một trung tâm hỗ trợ với nhiều người tham gia. Ngoài ra, một nhóm trên Viber được mở để kịp thời xử lý tình huống, thậm chí một nhóm online cũng được ra đời với tên gọi Nhóm xung kích giúp đỡ người bệnh mua thuốc, đi khám bệnh...

Ông Hùng chia sẻ: "Có thể vì chúng tôi phần lớn là doanh nghiệp nên luôn cố gắng vận dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là kiến thức số hóa để bắt kịp sự phát triển hàng ngày như vũ bão của chính phủ Ba Lan. Chúng tôi thường nói đùa chính phủ Ba Lan như Thánh Gióng, ăn một mâm cơm là lớn như thổi nhưng cũng may cộng đồng mình vẫn theo kịp để không tụt hậu".

Phó Ban HT&PC Covid-19 cũng cho biết, nhờ ứng dụng công nghệ, nhiều mệnh lệnh, yêu cầu và câu trả lời được lập trình sẵn giúp người điều hành chỉ cần lựa chọn cho phù hợp tình huống, vừa tiết kiệm thời gian vừa xử lý nhanh chóng để kịp thời hỗ trợ bà con.

Ba phao cứu sinh

Ở Ba Lan, khó khăn của bà con là thông tin trên mạng quá nhiều, nhưng đôi khi không thể biết đâu là nguồn đáng tin cậy. Bất đồng ngôn ngữ cũng là nguyên nhân khiến bà con người Việt e ngại nhập viện.

Không thể áp dụng theo khẩu hiệu 5K như tình hình trong nước, Ban HT&PC Covid-19 cộng đồng người Việt tại Ba Lan đã đưa ba phao cứu sinh: Phòng triệt để, Chống ngay lập tức và Cấp cứu kịp thời.

Cũng theo ông Trần Trọng Hùng: "Tách làm ba phao cứu sinh để thấy được các quyết định của cá nhân rất quan trọng trong việc phòng chống Covid-19. Tuy Covid-19 rất nguy hiểm, chúng ta thận trọng thực hiện tất cả những gì có thể làm được sẽ giảm thiểu được các mối nguy hiểm. Cần hết sức tỉnh táo và cương quyết với bản thân, để làm được phải có hiểu biết".

Trong bối cảnh với hàng chục nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày tại Ba Lan, việc bệnh nhân phải di chuyển hàng trăm km, phải chờ 5-7h để có xe cấp cứu hay chứng kiến những ca tử vọng sau nỗ lực không thành là việc cộng đồng người Việt buộc phải chấp nhận.

Thế nhưng, như ông Hùng nói: "Nhiễm Covid-19 như đi trong một bãi đầm lầy, mỗi một lần trượt, ta bị tụt xuống một chút. Tuy nhiên, với ba chiếc pháo cứu sinh này, chỉ cần bà con tin cậy, chúng tôi luôn sẵn sàng là GPS chỉ điểm".

Không thể áp dụng theo khẩu hiệu 5K như tình hình trong nước, Ban HT&PC Covid-19 cộng đồng người Việt tại Ba Lan đã đưa ba phao cứu sinh: Phòng triệt để, chống ngay lập tức và cấp cứu kịp thời.

Sức mạnh tổng lực từ cộng đồng

Khó khăn là vậy nhưng những người Việt ở Ba Lan lại tự nguyện xích lại và hỗ trợ lẫn nhau. Có thời điểm tới 5-6 thành viên trong Ban nhiễm bệnh nhưng may mắn tất cả đều qua khỏi trong sự quan tâm và giúp đỡ của những thành viên còn lại.

Trước tình hình dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng, Ban thường xuyên họp giao ban trực tuyến hai tuần một lần vào tối Chủ nhật.

Ông Trần Trọng Hùng kể: "Chúng tôi luôn có cả cộng đồng ở bên, chỉ cần kêu gọi, luôn có người hưởng ứng. Tôi và các anh em chỉ là những người nêu ra ý tưởng, còn công sức là của cả một nhóm tình nguyện viên".

Chống dịch Covid-19 và GPS của cộng đồng người Việt tại Ba Lan  第2张

Hình ảnh họp trực tuyến của các thành viên trong Ban HT&PC Covid-19 tại Ba Lan. (Ảnh: NVCC)

Đặc biệt, Ban cũng luôn có sự phối hợp của Ban công tác cộng đồng Đại sứ quán Việt Nam trong việc xử lý các vấn đề cho những người không có giấy tờ, hỗ trợ bà con thủ tục về nước. Với sự giúp đỡ của Đại sứ quán, Ban đã Việt hóa ứng dụng "cách ly bắt buộc" để những người mới đến Ba Lan và người bệnh có thể dễ dàng sử dụng.

Ông Hùng cũng cho biết, những hiệu quả trong phòng chống dịch ở Ba Lan còn nhờ công tác đối ngoại. Trong dịp Quốc khánh Việt Nam năm 2020, Tổng thống Ba Lan đã gửi thư cảm ơn cộng đồng người Việt và Hội Hữu nghị Việt Nam - Ba Lan đã quyên góp tặng chính quyền sở tại 1.000 bộ quần áo bảo hộ y tế, 4.100 bộ xét nghiệm, 1.500 đôi găng tay y tế...

Bên cạnh đó, chương trình của nhóm #vnjestesmyzwami (Việt Nam chúng tôi cùng với bạn) đã cung cấp hàng chục nghìn suất ăn tới các "chiến sĩ áo trắng" trên toàn đất nước, hàng chục quán ăn Việt tình nguyện ủng hộ suất ăn, bà con kiều bào còn may khẩu trang tặng cho các cơ sở y tế, công an, chính quyền sở tại.

Mặt khác, Ban HT&PC Covid-19 đã gửi thư tới các cơ quan dịch tễ và nhận được sự phối hợp trong việc hỗ trợ bà con. Trong một bài báo viết hồi tháng 5/2020, ông Hùng đã kêu gọi bà con xóa bỏ tư tưởng kỳ thị đối với người bệnh và trong mỗi bản tin, ông luôn cố gắng chỉ cho bà con một tia sáng trước tình hình dịch bệnh.

Theo kế hoạch, chính phủ Ba Lan sẽ tiêm chủng cho người dân có nhu cầu trong thời gian đến hết tháng 8/2021, trước nguy cơ của làn sóng dịch mùa Thu Đông.

Thách thức đối với Ban HT&PC Covid-19 là làm sao để bà con, kể cả những người chưa hoàn thành các thủ tục hành chính hay pháp lý về cư trú cũng sẽ được tiêm chủng sớm nhất. Để làm việc này, Ban đang liên lạc và trao đổi với chính quyền địa phương, tìm cách tổ chức trung tâm y tế cộng đồng tại khu trung tâm thương mại để hỗ trợ bà con, cũng như tìm cách giải quyết các vấn đề phát sinh.

Đồng hành với cộng đồng suốt hơn một năm qua, ông Trần Trọng Hùng tâm sự: "Cùng với phòng chống dịch, thời gian tới, chúng tôi sẽ còn nhiều việc để cùng nhau xây dựng một cộng đồng gắn kết hơn, làm hình ảnh người Việt ngày càng đẹp hơn trong mắt người dân và chính quyền sở tại".