Chủ quan đã tiêm ngừa, chồng trẻ mắc bệnh hiểm vì "gần gũi" với gái massage
(Dân trí) - Sau khi "gần gũi" với nữ nhân viên massage và được thông báo đã mắc căn bệnh nguy hiểm do nhiễm virus HPV, người đàn ông 30 tuổi rất bất ngờ, vì nghĩ mình đã tiêm vaccine sẽ an toàn.
Anh T. (30 tuổi, quê Bình Dương) đến khám tại trung tâm sức khỏe nam giới ở TPHCM trong tình trạng "cậu nhỏ" xuất hiện khoảng 4-5 nốt cứng màu hồng nhạt, mọc gần nhau và có xu hướng ngày càng to hơn.
Qua thăm khám và làm xét nghiệm chẩn đoán, bác sĩ kết luận anh T. bị mắc bệnh sùi mào gà. Kết luận trên khiến người đàn ông vô cùng hoang mang.
Theo bệnh nhân, anh đã kết hôn và cùng vợ tiêm vaccine kháng HPV hơn 2 năm nay, nên tự tin mình đã được bảo vệ. Trong một lần "quá chén" cùng bạn bè, người đàn ông có lỡ quan hệ với nữ nhân viên trong quán massage mà không dùng biện pháp bảo vệ.
Còn anh Đ. (27 tuổi, quê Đồng Nai) cũng đi khám với tình huống tương tự, khi phát hiện các nốt cứng màu xám, to dần, mọc ở gốc "cậu nhỏ" và phần mu. Anh cho biết đã tiêm vaccine ngừa HPV, nhưng gần đây có quan hệ tình dục với một bạn nữ mới quen ở quán bar và có sử dụng bao cao su.
Bệnh nhân này cũng được thăm khám và làm xét nghiệm, cho kết quả dương tính với virus HPV.
Bệnh nhân được bác sĩ tư vấn về cách chăm sóc sức khỏe nam giới (Ảnh: BS).
Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Trà Anh Duy, chuyên khoa Nam học chia sẻ, cả hai trường hợp trên đều được hướng dẫn theo đúng phác đồ điều trị sùi mào gà, cũng như dặn dò về chế độ chăm sóc và quan hệ an toàn.
Thống kê cho thấy, mỗi năm ở Hoa Kỳ có 15.000 phụ nữ và 7.000 nam giới được chẩn đoán mắc bệnh ung thư do virus HPV type 16 và 18 gây ra. Ở nam giới, 92% trường hợp ung thư hậu môn, 63% trường hợp ung thư dương vật và 89% trường hợp ung thư miệng hoặc ung thư vòm họng được nghiên cứu thấy có liên quan đến virus trên.
Theo nghiên cứu, các vaccine HPV có thể ngăn chặn 70% ung thư cổ tử cung, 80% ung thư hậu môn, 60% ung thư âm đạo, 40% ung thư âm hộ và một số bệnh ung thư miệng. Thêm vào đó, các vaccine này cũng có thể ngăn ngừa virus gây sùi mào gà, tùy từng loại mà có hiệu quả kháng thể cụ thể.
Tuy vậy, vaccine chỉ làm giảm nguy cơ nhiễm các loại virus HPV gây sùi mào gà, không thể đảm bảo một cách tuyệt đối rằng người đã tiêm vaccine sẽ không mắc bệnh.
Một số trường hợp có thể dẫn đến tình trạng sùi mào gà mặc dù đã tiêm vaccine HPV như: Quan hệ tình dục không an toàn, nhiễm HPV trước khi tiêm vaccine, hệ miễn dịch yếu.
Do đó, điều quan trọng là cần phải duy trì sự cảnh giác và thực hiện các biện pháp phòng ngừa toàn diện, bao gồm tiêm vaccine, quan hệ tình dục an toàn và thực hiện các chương trình kiểm tra sàng lọc định kỳ.
Đăng thảo luận