Sau vụ nổ hàng trăm máy nhắn tin của các thành viên Hezbollah khiến gần 3.000 người thương vong ở Lebanon, nhóm vũ trang này tuyên bố sẽ trả đũa Israel, dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột mới ở Trung Đông.
Dù nhà chức trách Lebanon vẫn đang điều tra nguyên nhân và cách thức diễn ra loạt vụ nổ chấn động chiều 17/9, nhưng Hezbollah và chính quyền Beirut cáo buộc Israel là thủ phạm. Truyền thông Mỹ trích dẫn các nguồn thạo tin xác nhận đó là chiến dịch tấn công phối hợp giữa cơ quan tình báo Mossad và quân đội Israel.
Hezbollah đã tuyên bố sẽ trả đũa Israel. Ảnh: RTBộ Ngoại giao Lebanon lên án "sự leo thang nguy hiểm và có chủ đích của Israel", đồng thời cảnh báo diễn biến "đi kèm mối đe dọa về xung đột lan rộng ở quy mô lớn". Hezbollah, nhóm vũ trang Hồi giáo người Shi’ite được Iran hậu thuẫn ở Lebanon, cũng thề sẽ "đáp trả thích đáng".
Israel hiện vẫn chưa lên tiếng bình luận về sự việc, nhưng đã nâng mức cảnh báo nguy hiểm tại tất cả các cảng của đất nước. Theo tờ báo Haaretz, Bộ Quốc phòng Israel cũng triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của các tướng lĩnh cấp cao để thảo luận về những phương án ứng phó “tình huống leo thang tiềm ẩn ở phía bắc”.
Mối đe dọa dai dẳng
Hezbollah và Israel có hiềm khích từ lâu. Năm 2006, sau khi nhóm bắt cóc 2 binh sĩ Israel và sát hại 8 người Do Thái khác, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã "ăn miếng, trả miếng", dẫn tới chiến tranh Lebanon lần thứ 2. Trong 34 ngày giao tranh, không quân IDF đã thực hiện khoảng 12.000 phi vụ oanh tạc trên bầu trời Lebanon, để lại hậu quả tàn khốc. Phần lớn cơ sở hạ tầng của Lebanon, bao gồm các cảng, cầu, đường, nhà máy xử lý nước và nước thải, trường học, bệnh viện, nhà ở và thậm chí cả sân bay quốc tế Beirut đều bị phá hủy.
Hezbollah cũng phải hứng chịu tổn thất nặng nề. Trong số 1.200 trường hợp thương vong vì cuộc chiến đó có ít nhất 270 tay súng Hezbollah. Các kho đạn dược của nhóm bị hư hại, các bãi phóng và cơ sở quân sự của nhóm bị phá hủy một phần hoặc toàn bộ. Israel coi đó là chiến thắng, nhưng Sarit Zehavi, người sáng lập kiêm Chủ tịch của Alma, một trung tâm chuyên nghiên cứu và giáo dục độc lập về các thách thức an ninh của Israel cho rằng, nước này đã không thể đánh bại Hezbollah.
Vào ngày 14/8/2006, một lệnh ngừng bắn do Liên Hợp Quốc làm trung gian đã có hiệu lực. Chưa đầy một tháng sau, Tel Aviv dỡ bỏ lệnh phong tỏa hải quân đối với Lebanon và 2 năm sau cuộc chiến đẫm máu, thi thể của 2 binh sĩ Israel đã được trả về nước để an táng. Dẫu vậy, sự thù địch giữa Israel và Hezbollah không chấm dứt sau đó. Nhóm Hồi giáo được Iran hậu thuẫn ở Lebanon tiếp tục tự vũ trang, chuẩn bị cho một cuộc đối đầu mới.
Năng lực của hai đối thủ
Theo đài RT, tính đến hiện nay, Hezbollah ước tính đang sở hữu hơn 200.000 tên lửa, bao gồm 5.000 tên lửa tầm xa có thể bắn trúng các khu vực cách địa điểm phóng tới 700km; 5.000 tên lửa tầm trung có phạm vi bắn tối đa 200km và 65.000 tên lửa tầm ngắn có thể bắn xa tới 80km, cùng 150.000 quả đạn cối.
Ngoài ra, Hezbollah còn tự hào có hàng trăm tên lửa chống tăng, chống hạm và phòng không, cộng với 2.500 máy bay không người lái (UAV), một hệ thống đường hầm tinh vi, sâu hơn nhiều so với những đường hầm mà Phong trào Hồi giáo Hamas sử dụng ở Dải Gaza. Quan trọng hơn, nhóm quy tụ khoảng 50.000 chiến binh trong các lực lượng thường trực và 50.000 quân dự bị. Tất cả đều được đào tạo bài bản và trang bị tốt.
Suốt nhiều năm qua, Israel đã cố gắng gây tổn hại đến khả năng tự trang bị vũ khí của Hezbollah. Nhiều báo cáo khác nhau tố Tel Aviv đứng sau các vụ tấn công vào các đoàn xe vận chuyển đạn dược ở Syria, các sân bay, trung tâm nghiên cứu và căn cứ quân sự. Tuy nhiên, Eyal Zisser, Phó Hiệu trưởng Đại học Tel Aviv và là một trong những chuyên gia nghiên cứu nổi tiếng nhất về Trung Đông lưu ý, phần lớn những vụ tập kích này mang tính biểu tượng.
Hezbollah thực sự không có lực lượng hay căn cứ ở Syria. Nhóm chỉ sử dụng quốc gia Trung Đông này là nơi trung chuyển vũ khí từ Iran sang Lebanon. Tới 99% thành viên Hezbollah cắm chốt ở Lebanon. Vì vậy, các vụ oanh tạc của IDF vào Syria không nghiêm trọng và có tác động đáng kể bằng những chiến dịch nhắm vào Lebanon.
Trong cuộc đối đầu hiện tại, bắt đầu từ ngày 7/10/2023, sau vụ đột kích chết người của Hamas vào lãnh thổ Israel và chiến dịch tấn công quân sự trả đũa IDF vào Gaza, binh lính Israel đã nhắm bắn hàng nghìn mục tiêu Hezbollah. Trong 6 tháng đầu tiên, hơn 1.400 mục tiêu đã bị oanh tạc từ trên không và 3.300 mục tiêu bị tấn công dưới mặt đất.
IDF tuyên bố đã trừ khử hàng trăm thành viên Hezbollah, gồm cả 50 chỉ huy cấp cao. Bà Zehavi đánh giá việc loại bỏ những nhân vật này rất quan trọng vì họ sở hữu kiến thức, mối quan hệ và kinh nghiệm giá trị cho nhóm Hồi giáo. Song, điều đó không làm tổn hại đến khả năng tiếp tục chiến đấu của Hezbollah.
Hiện tại, khi căng thẳng lên đến đỉnh điểm và những lời đe dọa đanh thép cất lên, cả hai chuyên gia đều nhất trí rằng, cuộc xung đột mới với Hezbollah sẽ khác những gì Israel từng trải qua trước đây, cả về địa hình, hệ thống cơ sở hạ tầng ngầm dưới đất, các kho vũ khí, đạn dược ẩn giấu trong các thị trấn và làng mạc cùng nơi di tản lánh nạn cho người dân.
Một thách thức khác với Israel nằm ở số lượng tên lửa Hezbollah có thể sẽ phóng về phía nước này. Theo một số ước tính, vào ngày đầu tiên Hamas tập kích Israel, nhóm này đã bắn 4.300 tên lửa. Với Hezbollah, lượng tên lửa và UAV bắn đi hàng ngày hứa hẹn sẽ vượt con số 10.000.
Câu hỏi đặt ra là, liệu Israel có thể đối phó với tất cả chúng hay không. Ngoài hệ thống tên lửa đánh chặn Vòm sắt đã chứng minh được hiệu quả trong suốt các cuộc xung đột trước đây của Israel, nước này cũng phát triển các phương tiện khác nhằm bảo vệ lãnh thổ như tên lửa phòng không tự chế David Sling, một khí tài khác sử dụng tia laser sắp trình làng và một số dự án sáng tạo nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của UAV thù địch.
Về sức mạnh quân sự, theo xếp hạng năm 2024 của trang Global Firepower, quân đội Israel hiện đứng thứ 17 trên thế giới với 169.500 binh sĩ và 465.000 quân dự bị, phần lớn được triệu tập sau vụ đột kích đẫm máu của Hamas ngày 7/10 năm ngoái. Trải qua hơn chục cuộc chiến tranh và đụng độ với các nước láng giềng và Palestine từ năm 1948, Israel đến nay là quốc gia có quân đội thiện chiến nhất ở Trung Đông. Họ cũng có ngành công nghiệp quốc phòng nội địa phát triển lớn mạnh, cho phép sản xuất mọi thứ từ vũ khí nhỏ, xe tăng cho đến UAV và tên lửa.
Israel có thể còn một "con át chủ bài" quan trọng là vũ khí hạt nhân. Mặc dù không xác nhận cũng không phủ nhận việc sở hữu loại vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt như vậy, nhưng nước này bị nghi đang nắm trong tay tới 80 đầu đạn hạt nhân, có thể phóng từ máy bay và tên lửa. Ngoài ra, nước này còn có sự hợp tác và hỗ trợ từ nước đồng minh lớn nhất là Mỹ. Washington đã cam kết sẽ bảo vệ Israel nếu nước này bị tấn công.
Tuy nhiên, các chuyên gia Israel lo ngại mọi sự chuẩn bị đều không đủ, chưa kể nước này không có đủ nơi trú ẩn ở phía bắc, nơi rất gần biên giới Lebanon.
Giới quan sát hy vọng cả Hezbollah và Israel đều tính toán cẩn trọng để tránh kích hoạt một cuộc xung đột toàn diện mới trong khu vực, vì nếu viễn cảnh đó xảy ra, cả hai bên chắc chắn đều gánh chịu thiệt hại. Họ cảnh báo, khi “lò thuốc súng” ở Trung Đông” đã bùng nổ dữ dội, ảnh hưởng sẽ lan truyền và hậu quả là khôn lường.
Đăng thảo luận