Khí thiên nhiên nén (CNG) khó bắt lửa hơn xăng, dầu, nhưng bình chứa khí phải hoàn toàn kín khít, chắc chắn để chịu được áp suất cao.

Trưa 1/10, chiếc xe buýt chở 38 học sinh và 6 giáo viên trường Wat Khao Praya Sangkharam ở quận Lan Sak, tỉnh Uthai Thani, Thái Lan bị nổ lốp trước bên trái, khiến tài xế mất lái, đâm vào dải phân cách. Giới chức xác định vụ va chạm làm lốp trước của xe bốc cháy và lan sang bình nhiên liệu chứa khí tự nhiên nén (CNG), khiến lửa bùng lên từ đầu xe và lan nhanh vào khoang hành khách.

Tai nạn khiến 20 học sinh 7-15 tuổi và ba giáo viên thiệt mạng, nhiều người bị thương trong tình trạng nguy kịch.

Rủi ro cháy nổ của xe chạy bằng CNG  第1张

Chiếc xe buýt cháy trơ khung tại Thái Lan. Ảnh: Bangkok Post

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Thái Lan Suriyahe Juangroongruangkit cho rằng CNG là loại nhiên liệu có mức độ rủi ro rất cao. "Chúng tôi sẽ phải tìm biện pháp, có thể cấm các phương tiện chở khách sử dụng loại nhiên liệu này", ông Suriyahe nói.

Trên thế giới, những vụ tai nạn cháy nổ liên quan xe chạy CNG trong những năm qua khiến nhiều người lo ngại về độ an toàn của loại nhiên liệu này.

Đầu 2024 tại Jalandhar, Ấn Độ, một xe Maruti Ciaz chạy bằng CNG va vào phương tiện khác ở tốc độ cao. Vụ việc khiến xe bốc cháy, 5 người trên chiếc Maruti Ciaz tử vong.

Hồi tháng 2, tại Los Angeles, Mỹ, một chiếc xe tải chạy bằng CNG bắt lửa và sau đó nổ khiến 9 người bị thương. Trước đó, tài xế thấy có gì đó bất thường ở bình chứa khí nên gọi cứu hỏa.

Khí thiên nhiên nén (CNG - compressed natural gas), hay còn gọi là khí nén, là một loại khí nhiên liệu có thành phần chính là khí mêtan (CH4), được nén xuống dưới 1% thể tích mà nó chiếm giữ ở áp suất khí quyển. Khí này được trữ trong các bình chứa hình cầu hoặc hình trụ, ở mức áp suất 20-25 megapascal (tương đương 2.900-3.600 psi, hoặc 200-250 atm).

Rủi ro cháy nổ của xe chạy bằng CNG  第2张     Xe tải chạy bằng CNG phát nổ tại Mỹ

Xe tải chạy CNG phát nổ ở Mỹ. Video: Fox 11

Loại khí này được sử dụng như nhiên liệu cho các loại xe sử dụng động cơ đốt trong đã được cải tiến, hoặc được sản xuất riêng để sử dụng cho CNG. Nhiên liệu CNG được chứng minh là giảm 15-27% lượng khí thải nhà kính so với các loại nhiên liệu truyền thống, và chi phí vận hành các xe sử dụng CNG thấp hơn thông thường. Trên thế giới, CNG đã được sử dụng cho các loại phương tiện như xe lam, xe bán tải, xe buýt, xe buýt trường học, và tàu hỏa.

Vì nhiên liệu này dạng khí, do đó một số người quan ngại rằng CNG không an toàn. Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học đã chứng minh CNG ít có khả năng bắt lửa trên bề mặt nóng, vì có nhiệt độ tự bốc cháy cao (540 độ C) và phạm vi bắt lửa hẹp (5–15%). Có nghĩa rằng nếu nồng độ CNG trong không khí dưới 5% hoặc trên 15%, việc bắt lửa sẽ không xảy ra. Để so sánh, nhiệt độ tự bốc cháy của xăng là 280 độ C, phạm vi bắt lửa là 1,4-7,6%, đối với diesel, nhiệt độ tự bốc cháy là 210 độ C.

Như vậy, xe sử dụng CNG vẫn có độ an toàn cao trong quá trình vận hành. Tuy nhiên, vì CNG được chứa trong bình khí nén với áp suất rất cao, do đó khi xảy ra va chạm, bình chứa có thể bị hư hỏng hoặc vỡ, gây ra hiện tượng phát nổ. Nếu có tác nhân gây kích lửa khi xảy ra va chạm, ví dụ như các chi tiết kim loại cạ vào nhau tạo ra tia lửa, hoặc các dây dẫn điện bị chập tạo ra tia lửa điện, việc cháy khí CNG là hoàn toàn có thể xảy ra. Bên cạnh đó, nếu sử dụng bình chứa không được bảo trì thường xuyên, hoặc không đúng chuẩn, bình chứa có thể phát nổ khi bơm nhiên liệu quá mức cho phép.

Rủi ro cháy nổ của xe chạy bằng CNG  第3张

Tata Altroz - mẫu xe đầu tiên sử dụng công nghệ hai bình CNG tại Ấn Độ ra mắt năm 2023. Ảnh: Hindustan Times

Khác với cháy nhiên liệu lỏng như xăng hoặc dầu, khí đốt có tốc độ cháy rất nhanh. CNG còn có thể gây ngạt khi rò rỉ ra ngoài môi trường, khiến người ngồi bên trong xe ngất xỉu nếu khoang xe đóng kín.

Những điều trên là lý do khiến các xe sử dụng CNG không phổ biến bằng các loại xe sử dụng nhiên liệu khác. Số liệu của Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy có khoảng 23 triệu xe trên toàn thế giới sử dụng nhiên liệu CNG, chỉ chiếm 2% số phương tiện. Những nước sử dụng xe CNG nhiều nhất bao gồm Iran, Pakistan, Argentina, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Uzbekistan.

Tại Việt Nam, một số tuyến xe bus tại Hà Nội và TP HCM đã sử dụng loại nhiên liệu này trong nhiều năm qua.

Các lưu ý về an toàn khi sử dụng xe nhiên liệu CNG

Vì CNG phải được trữ trong bình chứa có áp suất cao, do đó việc bảo trì định kỳ bình chứa, cũng như các linh kiện liên quan rất quan trọng trong việc đảm bảo sự an toàn của xe và những hành khách trong xe. Cụ thể, bình chứa khí CNG phải được kiểm tra độ kín hơi thường xuyên để chắc chắn rằng không có sự rò rỉ nào xảy ra. Việc bảo trì phải được thực hiện bởi các chuyên gia, hoặc ở các cơ sở uy tín, có đủ máy móc và thiết bị để phục vụ việc bảo trì phương tiện CNG.

Rủi ro cháy nổ của xe chạy bằng CNG  第4张     Ôtô nổ tung như bom khi đang nạp nhiên liệu

Ôtô nổ tung như bom khi đang nạp nhiên liệu CNG tại Brazil vào năm 2022. Video: Brasil FM

Khi nạp khí CNG, tài xế không được để xe nổ máy, và không được bơm quá mức áp suất cho phép. Các chuyên gia cũng khuyến cáo rằng không nên đỗ xe sử dụng CNG dưới trời nắng gắt thường xuyên và liên tục, vì điều này có thể khiến khoang chứa bình trữ CNG nóng lên nhanh chóng, làm bình phát nổ.

Cuối cùng, tài xế cũng như hành khách không được hút thuốc lá bên trong xe, vì tàn thuốc khi cháy có nhiệt độ rất cao (trên 600 độ C), có khả năng khiến CNG bắt lửa và gây nổ.

Hồ Tân