Không còn làm việc từ sáng tới đêm, nhiều người Đức đang hưởng ứng xu hướng tăng ngày nghỉ, giảm giờ làm.

Vốn nổi tiếng với tinh thần làm việc chăm chỉ nhưng giờ đây nước Đức đang chứng kiến sự thay đổi trong nhận thức lao động. Số liệu từ công ty bảo hiểm y tế Techniker Krankenkasse cho thấy trung bình một người dân nghỉ ốm 19,4 ngày mỗi năm - con số cao nhất từng được ghi nhận. Hiện mỗi người lao động làm việc trung bình 1.343 giờ mỗi năm - mức thấp nhất trong 38 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Lần đầu tiên sau nhiều thập niên, các công đoàn ở Đức không chỉ đòi tăng lương mà còn đòi giảm giờ làm. Giới chuyên gia cũng nhấn mạnh lợi ích của việc nghỉ ngơi, coi đó là giải pháp cho các vấn đề kiệt sức, đổ vỡ gia đình, năng suất lao động thấp cho đến biến đổi khí hậu.

Margareta Steinrücke, tác giả của cuốn sách Work less, live more (Làm ít hơn, sống nhiều hơn), cho biết thế hệ trẻ không còn làm việc quên mình như cha mẹ họ. "Thay vì giữ tư tưởng 'công việc là trên hết', nhiều người sẵn sàng để bản thân được nghỉ ngơi", Margareta nói.

Người Đức không còn nghiện việc  第1张

Người đi bộ trên con đường lớn ở thành phố Stuttgart. Ảnh: WSJ

Người Đức từng coi mình là nghiện việc (workaholic). Quốc gia này cũng có thể là nơi khai sinh ra khẩu hiệu động viên như "With Joy Do your Duty" (hãy làm việc với niềm vui) hay "Work is a Woman’s Ornament" (công việc tô điểm cho phụ nữ), nhằm chống lại sự lười biếng.

Nhưng nay mọi thứ đã thay đổi.

Hendrik Laeppché, chủ một công ty phân phối phụ tùng công nghiệp ở miền bắc nước Đức, nói rằng xu hướng chống lại việc làm đang lan rộng. Ông kể có một thực tập sinh 23 tuổi tài năng đã từ chối làm toàn thời gian vì bận bán hàng online. Nhiều nhân viên lớn tuổi khác trong công ty muốn làm việc tuần bốn ngày để có thời gian nghỉ ngơi.

Nhưng xu hướng này đang dấy lên lo ngại trong giới kinh tế và chính trị gia Đức, nhất là trong bối cảnh thiếu hụt lao động nghiêm trọng.

Bộ trưởng tài chính Christian Lindner bày tỏ sự lo lắng khi người dân Đức làm việc ít hơn các nước khác. Ông cũng đưa ra một số các ưu đãi về thuế nhằm khuyến khích giờ làm thêm.

Michael Kretschmer, thống đốc bang Saxony, Đức, cũng nhắc về mối nguy hiểm từ việc làm bán thời gian và chính sách tuần làm việc bốn ngày, ảnh hưởng đến kinh tế.

Trong tiếng Đức, đức tính chăm chỉ, cần cù được gọi là "Fleiß". Khái niệm này từng là tâm điểm tranh luận trong cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng euro năm 2010. Thời điểm đó, nhiều người Đức bất bình khi phải cứu trợ Hy Lạp - quốc gia có những người nghỉ hưu sớm ở tuổi 57 và dường như chỉ biết hưởng thụ cuộc sống.

Nhưng giờ đây người Hy Lạp làm việc trung bình 1.897 giờ mỗi năm, nhiều người người Đức tới 554 tiếng. Tuổi nghỉ hưu của quốc gia này đã năng lên 67 và một đạo luật mới có hiệu lực vào tháng trước cho phép người lao động làm việc tuần 6 ngày. Còn tại Đức, 50 công ty đang tham gia thử nghiệm tuần làm việc bốn ngày. Liên minh châu Âu (EU) dự báo kinh tế Hy Lạp sẽ tăng 2,2% năm nay, trong khi kinh tế Đức trì trệ từ năm 2019.

Tại Đức, chủ nhật là ngày nghỉ ngơi, không có hoạt động mua sắm, email trả lời tự động thường có nội dung "tôi đang đi vắng, tin nhắn sẽ không được đọc". Sinh viên cũng có quyền tự quyết tốc độ học tập, nhiều người tốt nghiệp sau 30 tuổi.

Rick Weinberg, người Mỹ từng làm quản lý sản phẩm công nghệ thông tin ở Thung lũng Silicon, bang California, Mỹ, nói sốc khi thấy đồng nghiệp người Đức nghỉ trưa 60-90 phút và tan làm lúc 17h30-18h.

Người Đức không còn nghiện việc  第2张

Quảng trường trung tâm thành phố Rostock, Đức nơi người dân đến thư giãn, nghỉ ngơi. Ảnh: WSJ

Một cuộc khảo sát của YouGov tháng 7/2024 cho thấy hơn 1/4 người Đức được hỏi nói dối về bệnh tình để xin nghỉ ốm. Tình trạng này nghiêm trọng đến mức các công ty phải ra các chính sách mới, như Tesla treo thưởng cho nhân viên chuyên cần. Trong khi những người ủng hộ xu hướng "chống lại công việc" lại cho rằng người Đức làm việc quá sức dẫn đến sức khỏe kém.

Enzo Weber, chuyên gia dự báo và phân tích kinh tế từ viện Nghiên cứu Việc làm Đức, cho biết thị trường lao động khan hiếm đã thay đổi cán cân quyền lực giữa người sử dụng lao động và người lao động.

Anne Wilhelm, 32 tuổi, từ bỏ công việc bán lẻ ở Đức để chuyển sang làm nhân viên tư vấn. Thời gian làm việc chỉ 20 giờ mỗi tuần giúp cô có thời gian để tự học thiết kế đồ họa.

Người phụ nữ này hiện sống ở Indonesia để tham gia hoạt động tình nguyện, làm các dự án thiết kế và quản lý Airbnb của mình. Tuy nhiên trải nghiệm tại nơi ở mới đã thay đổi quan điểm của cô về khái niệm "làm việc quá sức".

"Người dân ở Indonesia làm việc ngoài đồng từ sáng đến tối và coi đó là điều bình thường. Điều này khiến tôi tự hỏi liệu bản thân có làm quá về một vấn đề không đáng?", Anne nói.

Minh Phương (Theo WSJ)