Eo biển Drake thường được cho là vùng biển nguy hiểm nhất thế giới nhưng nhiều vùng biển khác cũng khắc nghiệt không kém.

Những vùng biển nguy hiểm nhất thế giới  第1张

Sóng cao 12 m ở eo biển Drake. Ảnh: HeavySeas

Biển hỗn loạn đã trở thành nỗi ám ảnh với các thủy thủ trong nhiều thế kỷ. Nhưng khi đánh giá đâu là vùng biển nguy hiểm nhất thế giới, những chuyên gia cân nhắc nhiều yếu tố khác nhau. Ví dụ, vùng biển đó nằm ở đâu? Nó nằm gần lục địa hay cực kỳ xa xôi như mũi Nemo ở Thái Bình Dương? Nó có bất kỳ đặc điểm tự nhiên nguy hiểm nào như đỉnh núi dưới nước, eo biển hẹp hoặc nhiều núi băng trôi? Dòng hải lưu mạnh và dễ dự đoán tới mức nào? Bão có thường xuyên không và gió có thổi mạnh không? Độ cao của sóng và nhiệt độ nước biển là bao nhiêu? Một yếu tố nữa để có thể đánh giá mức độ nguy hiểm dựa trên số xác tàu đắm hoặc thảm họa hàng hải xảy ra.

Eo biển Drake

Eo biển Drake hay còn gọi là biển Hoces là vùng biển vô cùng nguy hiểm. Đặt theo tên nhà thám hiểm và chỉ huy tàu người Anh là ngài Francis Drake, vùng biển này nổi tiếng với điều kiện mưa bão và dòng hải lưu hay thay đổi. Với chiều rộng khoảng 800 km, eo biển Drake là con đường ngắn nhất nối Nam Cực với Cape Horn ở Nam Mỹ, Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.

Đây là khu vực ẩn chứa nhiều rủi ro bởi không có dải đất lớn nào ở vĩ độ này, vì vậy các dòng hải lưu, bao gồm hải lưu vòng Nam Cực (ACC) có thể chảy tự do mà không gặp vật cản, mang theo lưu lượng nước khổng lồ. Không chỉ vậy, eo biển Drake còn có gió cực mạnh, tạo ra sóng cao từ 9 đến 12 m. ACC chịu trách nhiệm vận chuyển 100 - 150 triệu m3 nước/giây, cũng đẩy những núi băng trôi qua eo biển, đe dọa bất kỳ tàu nào cố gắng đi qua.

Tất cả lý do như vậy biến eo biển Drake thành chướng ngại vật chết chóc đối với những người muốn đi tới Nam Cực.

Tam giác Bermuda

Rất ít vùng biển thu hút nhiều sự chú ý của cộng đồng như Tam giác Bermuda. Khu vực rộng 1,3 triệu km2 ở Đại Tây Dương trải rộng giữa Bermuda, Puerto Rico, và mũi phía nam của Florida. Trong thế kỷ qua, khu vực này trở nên khét tiếng với vô số vụ đắm tàu và máy bay biến mất. Những sự kiện kỳ quặc này truyền cảm hứng cho nhiều thuyết âm mưu. Tuy nhiên, về mặt thống kê, số vụ tai nạn ở vùng biển hình tam giác này không nhiều hơn so với các khu vực đại dương khác.

Biển Bering

Biển Bering đặt theo tên Vitus Bering, một nhà hàng hải người Nga, đã cướp đi sinh mạng của nhiều người. Nằm giữa vùng Viễn Đông Nga và Alaska biển Bering tập trung cả dòng hải lưu mạnh, khu vực nước nông, băng biển và mô hình thời tiết khắc nghiệt nên rất khó chạy qua vào phần lớn thời gian trong năm.

Độ sâu trung bình của biển Bering khoảng 60 m, hình thành sóng thấp nhưng mạnh hơn. Đây cũng là một trong những vùng biển lạnh nhất thế giới. Vào mùa đông, nhiệt độ ở phía bắc và phía đông của biển Bering có thể giảm xuống -45 độ C.

An Khang (Theo IFL Science)