Rau xanh tại Hà Nội vẫn đắt đỏ sau bão, người mua than giá cao ngang thịt

(Dân trí) - Sau siêu bão Yagi, các loại rau xanh liên tục tăng, nhiều loại tăng từ 30-50% so với trước bão. Nguồn cung tại chợ cũng ít hơn đẩy giá các mặt hàng tăng cao khiến nhiều người bất ngờ.

Giá rau đắt ngang giá thịt

Sáng 12/9, chị Minh Châu (Đống Đa, Hà Nội), tranh thủ đi chợ sớm trước khi đi làm. Chị "sốc" khi mua rau hết 160.000 đồng. "Tôi mua nửa quả bí xanh, một cái bắp cải và một ít hành, cà chua mà hết hơn 160.000 đồng tiền rau. Giá rau còn đắt ngang giá thịt", chị Châu than.

Chị Châu còn phản ánh rau hôm nay còn héo và dập úa chứ không được xanh như mọi hôm. Theo chị, mưa bão, ngập lụt gây ảnh hưởng tới hoa màu và việc vận chuyển nhưng mức giá đắt gấp 2-3 lần vẫn khiến chị bất ngờ.

Theo khảo sát của phóng viên Dân trí, giá rau củ ở nhiều chợ dân sinh tại Hà Nội liên tục tăng mạnh những ngày qua.

Chị Hoa, tiểu thương tại chợ Thượng Đình (Thanh Xuân, Hà Nội), cho hay bình thường bỏ ra 5 triệu đồng cho mỗi lần nhập rau tại chợ đầu mối. Tuy nhiên 3 ngày gần đây, chị phải chi hơn 6 triệu đồng cho lượng hàng tương tự. Một số loại rau thậm chí khan hàng như các loại rau thơm, cải xanh, mồng tơi...

"Tôi nhập rau cải vào giá 23.000 đồng/bó rau nên tôi cũng phải bán cho khách với giá 26.000-28.000 đồng/bó. Giá cao như thế này tôi cũng rất khó bán vì người dân đã quen mua với mức giá ngày thường rồi", bà Hoa nói.

Rau xanh tại Hà Nội vẫn đắt đỏ sau bão, người mua than giá cao ngang thịt  第1张

Giá rau xanh vẫn cao hơn so với ngày thường (Ảnh: Huỳnh Anh).

Một số loại rau khác vẫn có giá gấp 2-3 lần ngày thường. Cụ thể, rau muống trước đây khoảng 10.000 đồng/bó thì nay có nơi bán tới 35.000 đồng/bó. Giá bí xanh hôm nay vẫn hơn 40.000 đồng/kg trong khi đó ngày thường giá loại rau này chỉ khoảng 20.000 đồng/kg.

Giá rau bắp cải cũng tăng lên tới gần 30.000 đồng/kg, trong khi bình thường chỉ khoảng 15.000 đồng/kg. Hành lá, các loại rau gia vị khác cũng tăng thêm khoảng 40-60%.

Lý giải việc giá các loại rau xanh tăng mạnh, tiểu thương cho biết do vườn rau ngoại thành Hà Nội bị ngập úng nên các loại rau bị hỏng nhiều làm nguồn cung khan hiếm, đẩy giá tăng mạnh. 

Giá gạo không có nhiều biến động

Tại cửa hàng gạo trên đường Khúc Thừa Dụ (Hà Nội) chị Ngọc, chủ cửa hàng, cho biết trước đó khi có thông tin về siêu bão Yagi, giá gạo lấy từ đại lý tăng 100-300 đồng/kg mỗi ngày.

"Các cơ sở sản xuất báo mức tăng. Tuy nhiên, sức mua trên thị trường bán lẻ ở mức vừa phải nên chị chỉ tăng giá bán lẻ ở mức tương đối. So với đầu tuần trước, giá tăng khoảng 1.000-1.500 đồng/kg"", chị cho hay.

Tuy nhiên, 2 ngày nay, giá gạo cũng đã chững lại, một số mặt hàng gạo giảm giá.

Chị Thủy, chủ một cửa hàng gạo ở chợ Cốm Vòng (Hà Nội) cũng cho biết sức mua những ngày gần đây vẫn như cũ, không có thay đổi. "Gạo là mặt hàng thiết yếu nên được cung ứng nhiều, không xảy ra tình trạng thiếu hàng để phải đội giá lên nhiều. Vài ngày nay tôi vẫn bán giá như cũ, không thay đổi", chị nói.

Tại các hệ thống siêu thị ở khu vực trung tâm, nhiều loại gạo cũng không có điều chỉnh về giá.

Rau xanh tại Hà Nội vẫn đắt đỏ sau bão, người mua than giá cao ngang thịt  第2张

Sức mua những ngày gần đây không có nhiều thay đổi (Ảnh: Mỹ Tâm).

Nhiều khu vực tại Hà Nội ngập sâu từ ngày 10/9, khiến công tác vận chuyển hàng hóa vào các điểm bán chậm hơn so với thông thường. Giá các mặt hàng rau, củ, quả tăng do mưa, ngập khiến rau bị hỏng, khó khăn khi thu hoạch và vận chuyển.

"Tuy nhiên, các mặt hàng này đã được chủ động điều chuyển từ nguồn hàng các tỉnh phía Nam", đại diện Sở Công Thương TP cho biết.

Đại diện Bộ Công Thương nói thêm đối với các khu vực ngập lụt, chia cắt, Sở Công Thương và các doanh nghiệp đang phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn, cung ứng các mặt hàng nhu yếu phẩm như mỳ, lương khô, bánh mỳ, bánh chưng, nước uống đóng chai đến cho người dân.

Ngày 11/9, Bộ này cũng đã ban hành công điện hỏa tốc tổ chức triển khai tổ công tác tiền phương về cung ứng, điều tiết hàng hóa thiết yếu tại các địa phương chịu ảnh hưởng sau bão số 3 để trực tiếp nắm bắt tình hình thị trường, nhu cầu hàng hóa thiết yếu.

Đồng thời thực hiện điều tiết giữa các tỉnh, thành phố đang chịu ảnh hưởng của mưa, lũ với các tỉnh, thành phố khác khi có đề nghị của địa phương nhằm bảo đảm duy trì cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các địa phương chịu tác động của mưa, lũ.

Lãnh đạo Bộ Công Thương khuyến cáo người dân bình tĩnh, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng chức năng khắc phục thiệt hại và dự trữ nguồn nhu yếu phẩm đủ dùng, không tích trữ quá mức cần thiết để ưu tiên các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do bão gây ra.