Sau mấy năm 'vượt nắng, thắng mưa, chọc thủng giông gió', tôi đành đổi chỗ ở.

"Trước đây tôi ở Hóc Môn, đi làm ở quận 8. Phải nói là cứ băng qua những cung đường được coi là "rừng người trùng trùng - điệp điệp".

(Cung đường tôi đi: Nguyễn Ảnh Thủ - Quốc lộ 22 - Ngã tư An Sương xuống Trường Chinh, thoát được cổng khu công nghiệp Tân Bình là mừng được một phần nhỏ, kế tiếp là nút thắt cổ chai Cộng Hòa - Cách Mạng Tháng 8.

Đoạn Cách Mạng Tháng 8 - Lý Thường Kiệt là kinh khủng nhất, tiếp theo là khu chợ Tân Bình, rồi sang đường Thành Thái - Nguyễn Tri Phương. Đoạn này rất nhiều trường học, nên mức độ kẹt xe cứ gọi là ám ảnh.

Băng qua cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Chánh Hưng sang Phạm Hùng là coi như đoạn cuối của hành trình đã kết thúc một chiều đi, còn chiều về còn đông khủng khiếp hơn do giờ tan sở, tan trường... gần như ra cùng một lúc).

Trải qua mấy năm liền vượt nắng, thắng mưa, chọc thủng giông gió, cuối cùng thì tôi cũng phải đổi chỗ ở do cảm thấy sức khỏe đã suy kiệt".

Độc giả Cải Vàng bình luận như trên, chia sẻ về hành trình đi làm trước đây, khi phải di chuyển từ Hóc Môn đến quận 8 (TP HCM), sau đó đã phải đổi chỗ ở vì sức khỏe suy giảm. Câu chuyện này được kể tiếp nối vấn đề kẹt xe, sau bài viết 'Sập nguồn' vì nhà quận 12 đi làm quận 1.

Cũng đồng cảm khi kể về hành trình từ nhà ở gần Gigamall (Phạm Văn Đồng, TP Thủ Đức) đến nơi làm việc tại quận 1, độc giả cao hieu:

"Không chỉ những người ở quận 12, tôi ở gần Gigamall mà đi làm Quận 1, mỗi lần đi về phải băng qua Đinh Bộ Lĩnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh, đi vòng thì qua Phan Văn Trị, Ung Văn Khiêm... nghĩ mà nản. Mỗi lần về nhà là như sức cùng lực kiệt".

Sự mệt mỏi khi phải dành nhiều thời gian trên đường cũng khiến nhiều người cảm thấy căng thẳng và thiếu sức sống, độc giả nguyendao050373 chia sẻ:

"Đi làm từ sáng sớm đến tối muộn mới lết về được nhà, đã mệt mỏi vì ở ngoài đường lâu do kẹt xe. Về đến nhà còn phải tranh thủ làm việc nhà đến khuya mới xong, tắm rửa đi ngủ cũng tầm 11 đến 12 giờ đêm. Sáng phải dậy sớm từ 5 giờ vệ sinh cá nhân, lo con cái ăn uống, chở đi học, nhích từng tí một mới đến được chỗ làm.

Thật mệt mỏi, còn sức đâu mà làm việc năng suất! Bởi vậy đa số người Việt ta thể trạng yếu hơn vì ngủ không đủ giấc. Thời gian ở ngoài đường nhiều hơn thời gian nghỉ ngơi ở nhà.

Tôi chỉ mong thành phố quyết đoán nhanh để giãn dân bớt ra vùng ven, chứ trong nội thành càng mở đường, làm cầu vượt không thấy giảm kẹt xe mà thấy kẹt hơn trước. Thành phố nên đầu tư mở đường, trường trạm ra vùng ven để lên quận hay thành phố sớm hơn, nhằm thu hút dân về đông. Khi đó, sẽ có thêm nhiều khu công nghệ, đến lúc vùng ven ổn định thì thành phố sẽ tu bổ những gì còn thiếu trong thời gian qua. Vậy là vừa ổn định thành phố, vừa giúp vùng ven đi vào ổn định".

Trước thực trạng đi làm mệt mỏi vì kẹt xe, một số người đã tìm ra những giải pháp riêng cho mình. Độc giả Mourinho gợi ý giải pháp, đơn cử cho Gò Vấp:

"Cá nhân tôi nghĩ không cần mở rộng nhiều tuyến đường ở Gò Vấp, mà chỉ cần mở rộng những đường chính như Quang Trung, Lê Quang Định, Dương Quảng Hàm, Thống Nhất.

Còn Phan Văn Trị chỉ cần mở rộng đoạn hẹp tới Bình Thạnh. Tôi nhận thấy nguyên nhân kẹt là ở những ngã tư giao tiếp với các đường khác.

Vì vậy, mỗi đường chính nên bổ sung vài cầu vượt để mỗi bên đều chạy thông suốt, hết kẹt xe, hơn là phóng to đường rồi đến ngã giao nhau phải dừng lại. Khi đó, cảnh kẹt xe, tắc đường vẫn cứ xảy ra".

Độc giả Kobayashi nêu quan điểm: "Tôi làm quận 1, nhà quận 12 đây. Có hai giải pháp: Chuyển chỗ ở hoặc dậy sớm đi làm. Tôi đi làm bằng xe buýt, chuyến lúc 5 giờ, đến nơi là 6 giờ sáng. Không nên trông chờ vào hạ tầng đô thị thích nghi với mình, mà ngược lại, mình nên tự thích nghi để tìm ra giải pháp".

"Tôi ở Củ Chi, đi làm Quận 5 đây. Ngày mất hơn 2 giờ cả đi lẫn về, nhưng đến công ty tôi chẳng mất tí năng lượng nào, vẫn làm việc hiệu quả. Chiều về nghỉ ngơi một tí rồi vẫn có thể làm thêm được việc khác. Cũng đã hơn 4 năm như vậy rồi. Đi xa hơi cực nhưng đỡ tốn rất nhiều chi phí", độc giả Lê Thành Đô nói.

*Chia sẻ bài viết về nơi bạn sinh sống tại đây.

Hữu Nghị tổng hợp