Thị trường đất nền sôi động, thận trọng chiêu trò làm giá của "cò"
(Dân trí) - Dù thị trường đất nền, nhà thấp tầng đang ghi nhận diễn biến sôi động bởi nhu cầu mua và giao dịch tăng nhưng chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư cần thận trọng bởi những chiêu trò thổi giá.
Thị trường đất nền sôi động trở lại
Sau diễn biến "sốt nóng" của phân khúc chung cư, thị trường đất nền, nhà thấp tầng ở nhiều khu vực cũng ghi nhận sự sôi động với nhu cầu tìm mua cũng như giao dịch tăng. Không ít nhà đầu tư đã quay trở lại thị trường bất động sản trong bối cảnh cách kênh đầu tư khác như gửi ngân hàng, vàng, chứng khoán đang chững.
Anh Nguyễn Đức Duy - một môi giới nhà đất khu vực Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) - chia sẻ, khoảng hai tháng trở lại đây, nhu cầu tìm mua đất nền khu vực ven trung tâm đông hơn so với thời gian trước. Giá đất nền ở một số nơi cũng vì thế mà rục rịch tăng trở lại, tình trạng bán cắt lỗ cũng không còn.
Cũng theo anh Duy, thị trường đất nền vùng ven, đặc biệt là các huyện của Hà Nội như Ba Vì, Thạch Thất, thị xã Sơn Tây và một số huyện của Hòa Bình đã ghi nhận sự sôi động trở lại.
"Các văn phòng môi giới khu vực Hòa Lạc và lân cận gần như đã mở cửa hoạt động trở lại. Số lượng người có nhu cầu tìm hiểu, mua đất nền qua văn phòng môi giới cũng nhiều", anh Duy chia sẻ.
Thông tin rao bán đất nền vùng ven Hà Nội cũng rầm rộ, dày đặc thời gian qua (Ảnh: Hà Phong).
Cũng ghi nhận sự quan tâm lớn trở lại, nhiều văn phòng môi giới khu vực An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) đã đồng loạt mở cửa đón khách. Không ít văn phòng đăng thông tin tuyển dụng do thị trường đất nền có dấu hiệu cải thiện.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong quý I, phân khúc đất nền có 97.659 giao dịch thành công, bằng 119,86% so với quý IV/2023 và 145,18% so với cùng kỳ năm 2023. Cũng trong quý đầu năm nay, nhu cầu tìm kiếm nhà ở riêng lẻ, đất nền tăng nhanh.
Còn theo báo cáo thị trường bất động sản quý I năm nay của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), nhiều khu vực có lượng giao dịch đất nền tăng đột biến, đặc biệt ở khu vực ven các thành phố lớn hay địa phương phát triển mạnh về hạ tầng và có tốc độ đô thị hóa cao.
Tại Hà Nội, do quỹ đất tại các quận nội đô ngày càng cạn kiệt, thị trường nhà thấp tầng, liền kề, nhà riêng lẻ, đất nền khu vực vùng ven đang trở thành lựa chọn của nhiều nhà đầu tư.
Đơn vị này nhận định, những diễn biến trên đang phản ánh xu hướng chuyển dịch của thị trường bất động sản. Tại thời điểm đầu quý II, khi giá căn hộ chung cư có dấu hiệu chững lại, nhà đầu tư tìm về phân khúc an toàn nhưng cũng đầy tiềm năng là nhà đất.
Thận trọng chiêu trò làm giá của "cò đất"
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia bất động sản, giá đất nền và nhà thấp tầng đang có xu hướng tăng, chủ yếu do nguồn cung mới hạn chế và một số dự án ở khu vực ngoại thành Hà Nội đã hết hàng. Ngoài ra, những chính sách mới dự kiến sớm đi vào cuộc sống sẽ có tác động lớn đến thị trường.
Tuy nhiên, giới chuyên gia lĩnh vực này cũng khuyến cáo, với phân khúc nhà thấp tầng, đất nền, đặc biệt là các khu vực đất nền lâu nay có giá trị đi xuống, nay bất ngờ tăng cao không phản ánh thật thực trạng thị trường, có thể chỉ là những chiêu trò thổi giá của "cò đất". Do đó, người mua cần cẩn trọng trước rủi ro chôn vốn khi rót tiền vào các sản phẩm bị làm giá, không sát với giá trị sử dụng thực.
Dù hiện tượng "sốt nóng" đất nền, nhà thấp tầng cục bộ chưa xảy ra nhưng Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng sớm đưa ra cảnh báo về các cơn "sốt ảo" có thể sẽ hình thành, gây nguy cơ mất an toàn đầu tư, đặc biệt khi thị trường đang trong tiến trình hồi phục.
Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng, giá đất tăng cao trong bối cảnh toàn thị trường còn chưa thoát được khó khăn là dấu hiệu bất thường. "Tại nhiều khu vực, thông tin giao dịch tấp nập nhưng người mua - bán không có thật. Đó có thể chỉ là những chiêu trò được dàn dựng bởi các môi giới, nhà đầu tư, nhằm đẩy giá đất lên cao", ông Đính nhấn mạnh.
Nhà đầu tư được khuyên cần xác định đây là khoản đầu tư dài hạn, không nên ưu tiên sử dụng đòn bẩy tài chính, nên ưu tiên vị trí cũng như tiềm năng của khu đất để ra quyết định.
Đăng thảo luận