Tôi sốc và trố mắt khi bước vào nhà của em chồng, tiện nghi không thiếu thứ gì ở quê, trong khi trên phố vợ chồng đang ở thuê.

Tôi 32 tuổi, lấy chồng hơn một tuổi, kết hôn được 5 năm. Không cùng quê nên tôi rất ít về nhà chồng, mỗi năm chỉ thường vào dịp Tết mấy ngày, cũng chỉ quanh quẩn ở nhà bố mẹ chồng nên không rõ và cũng không nắm được tình tình cuộc sống của các anh chị em.

Chồng luôn nói với tôi là phải biết ơn, biết giúp đỡ anh em, họ hàng ở quê vì ngày xưa dù tất cả đều nghèo nhưng mọi người vẫn thường xuyên giúp đỡ với nhau. Tôi cũng không có ý kiến gì về chuyện này.

Nói sơ qua, vợ chồng tôi có ba nguồn thu nhập, tổng cộng trên dưới 40 triệu đồng một tháng, cuối năm có khoản thưởng kha khá, xem như tiền để dành. Cưới 5 năm rồi mà chúng tôi vẫn còn ở trọ, chưa dám mua nhà, mặc dù cũng tính toán kế hoạch và đi xem các căn hộ giá mềm.

Em trai của chồng bỏ học từ cấp hai, không có nghề nghiệp cụ thể, ai kêu gì làm nấy, sống ở quê và cách nhà bố mẹ chồng hơn 10 km. Chồng tôi, người đàn ông giàu tình cảm rất thương đứa em nghèo này, thường xuyên giúp đỡ, gửi tiền, mua quà về cho các cháu.

Nhưng, có lần đi ôtô thuê về quê chồng, tôi đi từ ngạc nhiên đến sốc nặng khi chứng kiến cái cơ ngơi của hai vợ chồng đứa em nghèo của anh. Đó là một căn nhà to, có sân trước sân sau, được bên vợ em giúp đỡ. Trong sân còn đỗ một con ôtô bán tải.

Vợ chồng em mời chúng tôi vào nhà chơi, nhà ở quê nhưng không thiếu một thứ gì: máy nước nóng lạnh mặt trời, tủ lạnh hai cửa, mỗi phòng ngủ là một điều hòa, bếp từ... và tôi không còn cười nổi khi công việc của vợ chồng em là làm vựa rau, bề ngoài có lam lũ một chút nhưng thử hỏi, ai mới là người giàu, ai là người nghèo?

Tôi cứ trố mắt ra, khi kế bên nhà là nhà của bố vợ em, hoành tráng không kém. Về lại thành phố, tôi mới nói với chồng, hóa ra cái đứa em nghèo của anh có hẳn một cơ ngơi như vậy à? Thì chồng tôi lại nói, của bên vợ tất cả, em ấy có gì đâu?

Vậy đó, trong mắt chồng tôi, người cùng vợ con đang ở trọ, thu nhập 40 triệu một tháng lại có nghĩa vụ phải đi giúp cho người ở quê có cơ ngơi nhà cửa ổn định như thế.

Vì thế, khi đọc bài Thu nhập 37 triệu nhưng tôi không dám ăn bún bò 35.000 đồng vì ám ảnh nghèo, tôi rất chia sẻ cho hoàn cảnh của tác giả. Thế nhưng tôi nghĩ bạn đang gặp vấn đề tâm lý.

Những năm tháng tuổi thơ nghèo khó là cái bóng ma trong suy nghĩ khiến bạn không dám có một chút xíu hưởng thụ nào cho bản thân, để mà dồn tiền chăm lo cho người ở quê.

Tôi muốn kể trường hợp của tôi để bạn cân nhắc rằng, đôi khi, người khổ sở lại chính là người đang vật lộn với cuộc sống thành thị chứ không phải ở quê đâu.

Lan