Khác với tình hình suôn sẻ buổi sáng 31-8, các chuyến bay từ chiều và tối nay từ Tân Sơn Nhất đã gặp tình trạng chậm trễ, ảnh hưởng đến hàng nghìn hành khách đi chơi lễ 2-9.

Đi chơi lễ 2-9, loạt chuyến bay delay, khách chờ từ chiều tới tối chưa khởi hành  第1张

Đây là hình ảnh hàng trăm hành khách ngồi chờ đến giờ ra cửa máy bay. Ảnh chụp lúc 20h ngày 31-8 - Ảnh: CTV

Nguyên nhân chính được hãng bay lý giải là do tần suất bay tăng cao kết hợp với thời tiết xấu tại TP.HCM dẫn đến sự xáo trộn trong lịch trình bay của nhiều hãng hàng không.

Loạt chuyến bay delay, khách kiên nhẫn chờ đợi

Tuổi Trẻ Online ghi nhận từ 15h đến 17h ngày 31-8, cơn mưa lớn kéo dài không chỉ làm giảm tầm nhìn mà còn gây ra tình trạng trì hoãn các chuyến bay từ Tân Sơn Nhất đi các điểm đến như Vinh, Huế và Đà Nẵng, với mức độ chậm trễ từ 1,5 - 2 giờ so với dự kiến.

Đặc biệt, chuyến bay VU780 của Vietravel Airlines từ TP.HCM đi Hà Nội bị chậm 1 giờ 45 phút và có khả năng tiếp tục bị delay. Tình trạng tương tự xảy ra với các chuyến bay khác, như chuyến bay từ TP.HCM đi Đà Lạt - lịch khởi hành lúc 17h25 nhưng đến 18h20 mới có thông báo cất cánh.

  • Bất ngờ được đền tiền khi máy bay chậm chuyến

  • Thứ trưởng Bộ GTVT: Để xảy ra chậm chuyến, sân bay và hãng bay 'tiếc gì lời xin lỗi khách'

Hành khách đi các chặng bay khác như Hải Phòng, Phú Quốc và Đà Nẵng cũng không tránh khỏi tình trạng này, khi giờ khởi hành liên tục bị dời từ 19h đến 20h50 của Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways. 

Nhiều hành khách cho biết họ đã nhận được thông báo delay đến 2 - 3 lần trong cùng một buổi chiều.

Anh Nguyễn Thanh Quân (quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết vợ chồng anh ra sân bay làm thủ tục từ 16h để đi Phú Quốc.

"Nhưng đến tối tôi vẫn còn ở Tân Sơn Nhất, ra tới nơi chắc đi ngủ luôn chứ chơi bời gì được nữa", anh Quân nói và cho biết giờ bay mới được thông báo là 20h. Tính thời gian bay và lấy hành lý tại Phú Quốc, anh Quân cho hay phải hơn 21h30 mới về tới khách sạn, không còn thời gian để đi chơi trong ngày hôm nay nữa.

Cứ gần tới giờ bay, khách ngóng bảng thông tin xem hãng có đổi giờ hoặc đổi cửa khởi hành. "Hãng hàng không cần hỗ trợ và thông tin rõ ràng hơn để hành khách dễ dàng điều chỉnh kế hoạch" - chị Thanh Vy, hành khách đi Đà Nẵng, chia sẻ.

Tình trạng chậm chuyến không chỉ gây mệt mỏi cho hành khách mà còn tạo áp lực lớn cho các đơn vị lữ hành, buộc họ phải đối mặt với những khách hàng bực tức và lịch trình bị đảo lộn.

Đi chơi lễ 2-9, loạt chuyến bay delay, khách chờ từ chiều tới tối chưa khởi hành  第2张

Nhiều hành khách cho rằng thời tiết không thể kiểm soát nhưng phải nhận thông báo delay liên tục mà không có thông tin chính xác là khi nào được bay - Ảnh: CTV

Cần tích cực giải quyết chậm chuyến

Đến tối ngày 31-8, các hãng bay vẫn chưa thông tin cụ thể chuyến bay bị ảnh hưởng thời tiết dù hệ thống hiển thị loạt chuyến bay đang xảy ra chậm chuyến liên tục.

Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo của hãng bay cho hay thời tiết xấu chiều 31-8 đã làm nhiều chuyến bay phải bay lòng vòng trên trời để chờ ổn định hạ cánh. Điều này đã dẫn đến chậm chuyến dây chuyền, các hãng đang gấp rút lên phương án bay trước ảnh hưởng ngoài tầm kiểm soát do thời tiết.

Vị này phân tích ảnh hưởng một chuyến bay tác động lớn đến dây chuyền khai thác trong ngày. Một chuyến bay từ Hà Nội - Đà Nẵng, dự kiến khởi hành lúc 13h, bị trễ 1,5 giờ và khởi hành lúc 14h30, dẫn đến việc hơn 150 hành khách trên chuyến bay này bị trễ lịch trình.

Sân bay Tân Sơn Nhất cũng bị ảnh hưởng, khiến 3 chuyến bay khác phải điều chỉnh lịch cất cánh, kéo theo việc tăng thêm 30 phút cho mỗi chuyến, ảnh hưởng đến hàng trăm hành khách khác. 

Theo vị này, nếu một chuyến bay bị chậm 45 phút có thể gây ra tổng cộng 4 - 5 giờ chậm trễ cho các chuyến bay tiếp theo trong ngày, ảnh hưởng đến hơn hàng trăm hành khách.

Theo một chuyên gia hàng không, delay là chuyện không mong muốn, cả hãng bay và hành khách đều bị thiệt. Hãng bay thiệt hại tài chính do chậm chuyến bởi các chi phí phát sinh, đối mặt với áp lực từ sự không hài lòng của khách hàng và các đơn vị lữ hành...

Hành khách không chỉ phải chịu đựng sự mệt mỏi, bất tiện khi chờ đợi nhiều giờ tại sân bay mà còn phải đối mặt với việc thay đổi kế hoạch nghỉ lễ.

Vị này cho rằng hãng bay cần chủ động cung cấp thông tin và hỗ trợ kịp thời tình trạng chuyến bay, cung cấp dịch vụ hỗ trợ khách hàng, bồi thường hợp lý cho hành khách.

Cảng vụ hàng không miền Nam - cơ quan trực thuộc của Cục Hàng không Việt Nam - cho biết sẽ tăng cường giám sát chặt với các hãng bay đang có nhiều chuyến delay, đề xuất các biện pháp chấn chỉnh, đặc biệt đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.

Yêu cầu đại diện hãng bay túc trực giải đáp thông tin đến khách

Theo đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, tình hình trễ chuyến bay có nhiều nguyên nhân, một phần do hãng bay và thời tiết.

Tuy nhiên, phục vụ lễ 2-9, cảng đã yêu cầu đại diện hãng phải túc trực tại quầy để giải đáp các vướng mắc phát sinh đến hành khách liên quan đến chậm, hoãn chuyến. Từ đó, hành khách có được thông tin rõ ràng hơn, tránh tình trạng mất trật tự tại nhà ga.

Trong ngày 31-8, cảng dự kiến đón khoảng 644 chuyến bay với khoảng 100.000 lượt khách, trong đó hơn 56.000 lượt khách là các chuyến bay khởi hành.

Trong dịp lễ 2-9, sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến đón khoảng 120.000 lượt khách, với ngày cao điểm nhất là 3-9, dự kiến đón hơn 125.000 lượt khách.