Lô trúng cao nhất đấu giá đất huyện Phúc Thọ đã bán chỉ sau 1 ngày
Như Báo Dân Việt đã đưa tin, phiên đấu giá đất huyện Phúc Thọ tại 3 xã Trạch Mỹ Lộc, Thọ Lộc và Xuân Đình đã thu hút gần 200 người và hơn 400 hồ sơ hợp lệ tham gia. Các thửa đất có diện tích từ 97,1 - 162,9 m2, với giá khởi điểm từ 19,8 - 25 triệu đồng/m2. Mức tiền cọc khách hàng phải đóng trước gần 400 - 762 triệu đồng/thửa.
Hầu hết các thửa đất trúng đấu giá với mức trên 50 triệu đồng/m2, giá trúng thấp nhất trong số 30 thửa đất tại khu Dộc Tranh, xã Trạch Mỹ Lộc là 39,2 triệu đồng/m2. Đáng chú ý, thửa đất có diện tích 127m2, ký hiệu ĐG 26 có giá trúng cao nhất đạt 69,8 triệu đồng/m2 (tương đương khoảng 9 tỷ đồng). Mức giá này cao hơn khoảng 10 triệu đồng/m2 so với lô trúng cao nhất cùng khu vực đấu giá trong phiên ngày 29/8.
Đối với các thửa đất tại 2 xã Thọ Lộc và Xuân Đình, mức giá trúng không quá cao so với giá khởi điểm chỉ từ 23,4 - 27,2 triệu đồng/m2.
Ngay sau khi có quyết định trúng đấu giá, nhiều nhà đầu tư đã sang tay, chốt lời cả trăm triệu đồng/lô. Việc mua đi bán lại cũng diễn ra rất sôi nổi. Các lô đất trúng đấu giá được các nhóm đầu cơ ra giá chênh từ 150 - 500 triệu đồng/m2.
Anh N.Q, môi giới bất động sản huyện Phúc Thọ cho biết nhiều người trúng đấu giá đã lập tức rao bán chênh và có những lô đất đã bán đi bán lại được 2 - 3 lần.
"Nhiều lô đất có giá trúng ở mức dưới 50 triệu đồng/m2 được săn đón nhiều nhất và có giá chênh ở mức 150 - 300 triệu. Các lô đất được quan tâm nhất ở khu Dộc Tranh, xã Trạch Mỹ Lộc. Đây là khu vực cũng có lô đất trúng cao nhất", anh Q. chia sẻ.
Nhiều lô đất trúng đấu giá đã được sang tay lại 2 - 3 lần. Ảnh: CTV
Anh Q. cũng cho biết, lô đất trúng cao nhất 69,8 triệu đồng/m2 đã được sang tay rất nhanh. Tuy nhiên, mức giá chênh không được tiết lộ.
"Nhiều người cũng quan tâm đến lô đất trúng cao nhất vì có vị trí đắc địa, diện tích lớn và nằm ngay ngoài mặt đường chính. Ngay ngày hôm sau, chủ lô đất đã báo lại với tôi đã chủ động bán lô đất cho người khác nhưng không nói bán chênh bao nhiêu. Lúc đầu, chủ đất có nhờ tôi bán với giá chênh 400 triệu đồng", anh Q. nói.
Lô đất trúng đấu giá cao nhất 69,8 triệu đồng/m2 đã bán lại cho chủ mới. Ảnh: CTV
Cảnh báo việc sang tay đất đấu giá
Trước đó, phiên đấu giá đất huyện Phúc Thọ ngày 29/8 cũng rất sôi nổi hoạt động mua đi bán lại. Lô đất trúng đấu giá cao nhất phiên 60 triệu đồng/m2 đã được "hét giá" chênh 600 triệu đồng.
Theo quy định của Luật Đất đai 2024, người trúng đấu giá quyền sử dụng đất, hoàn thành nghĩa vụ tài chính và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì mới có thể chuyển nhượng quyền sử dụng đất trúng đấu giá cho người khác. Vì vậy, đối với đất trúng đấu giá nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì không được chuyển nhượng trên thực tế.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, việc mua bán sang tay đất đấu giá đã tạo ra thị trường sơ cấp, thứ cấp liên quan đến đất đấu giá. Cần phải kiểm soát các nguồn thuế từ lợi nhuận của các hoạt động mua đi bán lại đất đấu giá để tránh thất thu.
"Để tránh sập bẫy, người dân nên trang bị cho mình những thông tin về quy hoạch và tiềm năng khai thác của khu đất định mua, sau đó xem xét kỹ lưỡng, không nên có tâm lý đám đông để đầu tư nhanh mà cần tìm một công ty môi giới uy tín để hỏi thông tin", ông Đính cảnh báo.
Tham khảo thêm
Đăng thảo luận