Việt Nam đang ra sức phấn đấu, bứt tốc để có thể hiện thực hóa một tương lai hòa bình, ổn định, thịnh vượng và bền vững, không chỉ cho người dân Việt Nam mà còn cho tất cả mọi quốc gia trên thế giới

Ngày 24-9 theo giờ địa phương, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở TP New York - Mỹ đã diễn ra lễ khai mạc phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 79 với chủ đề "Không để ai bị bỏ lại phía sau: Hành động đoàn kết để thúc đẩy hòa bình, phát triển bền vững, phẩm giá con người vì các thế hệ hôm nay và tương lai". 

Phiên họp có sự tham dự của 155 người đứng đầu nhà nước và chính phủ của các quốc gia thành viên LHQ, cùng đại diện lãnh đạo các tổ chức quốc tế và khu vực.

Đề cao đối thoại, loại bỏ đối đầu

Phát biểu khai mạc, Tổng Thư ký LHQ António Guterres cảnh báo cạnh tranh địa chính trị, xung đột, biến đổi khí hậu, vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí mới nổi như "kho thuốc súng" đang chực chờ phát nổ, đẩy thế giới vào thảm họa. 

Cộng đồng quốc tế có thể vượt qua những thách thức đó nếu giải quyết được triệt để các nguyên nhân gốc rễ của chia rẽ toàn cầu là tình trạng bất bình đẳng, vi phạm luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ. 

Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 79 Philemon Yang cũng nhấn mạnh hợp tác quốc tế là công cụ để giải quyết các vấn đề toàn cầu và kiến tạo một tương lai tốt hơn cho tất cả người dân trên thế giới.

 Kiến tạo hòa bình, xây dựng thế giới tốt đẹp 第1张

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 79. Ảnh: TTXVN

Dự lễ khai mạc và phát biểu tại phiên thảo luận chung đầu tiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nêu thông điệp mạnh mẽ và toàn diện về "Củng cố chủ nghĩa đa phương, cùng hành động để kiến tạo tương lai hòa bình, ổn định, thịnh vượng và bền vững cho mọi người dân". 

Nhận định thế giới đang trải qua những thay đổi mang tính thời đại, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước kêu gọi các quốc gia cần tăng cường đoàn kết, chung tay, cùng hành động, hợp tác chặt chẽ, phát huy cao độ vai trò của các thể chế toàn cầu, đặc biệt là LHQ và các tổ chức khu vực, trong đó có ASEAN, nhằm đạt mục tiêu cao nhất là chấm dứt chiến tranh, xóa bỏ mọi hình thức áp bức, bóc lột, kiến tạo hòa bình, xây dựng thế giới tốt đẹp và đem đến hạnh phúc cho nhân loại.

Chia sẻ tầm nhìn của Việt Nam về tương lai, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh hòa bình, ổn định là nền tảng để kiến tạo một tương lai thịnh vượng và các quốc gia, nhất là các nước lớn, cần tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, hành xử có trách nhiệm, tuân thủ các cam kết, đóng góp vào công việc chung, củng cố đoàn kết, sự chân thành, lòng tin, đề cao đối thoại, loại bỏ đối đầu.

Tầm nhìn và mục tiêu

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng cần khơi thông, huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ phát triển, ưu tiên cho các "vùng trũng" trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), hỗ trợ các nước đang phát triển về nguồn vốn ưu đãi, chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo thuận lợi về đầu tư, thương mại và giảm gánh nặng nợ.