Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh như hiện nay, Hà Nội cần có một kênh tin cậy để công khai thông tin hạ tầng, phòng ngừa những cơn sốt giá nhà đất đầy rủi ro với người dân và cả nền kinh tế.
Sóng ảo từ tin ảo
Giá nhà đất ở nhiều nơi tại Hà Nội đang tăng chóng mặt, vượt quá khả năng mua của nhiều người dân. Đặc biệt một số khu vực ngoại thành, giá bất động sản bật tăng dựng đứng khiến người dân hoang mang, tạo ra những tác động khó lường với nền kinh tế nói chung.
Tiền và sự luân chuyển, lưu thông của đồng tiền tạo nên sức khỏe của nền kinh tế. Khi tiền bị đọng vào bất động sản - loại mặt hàng có giá rất cao, không chỉ các ngân hàng chênh vênh với nỗi lo nợ xấu, mà nguồn vốn đầu tư rót cho sản xuất, tiêu thụ hàng hóa cũng bị đình trệ. Giá bất động sản càng neo cao, các nhà đầu tư càng khó thanh khoản thì nguồn tiền cho nền kinh tế càng khan hiếm.
Chính vì vậy, việc kiểm soát giá bất động sản là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với những nhà quản lý. Và một trong những vấn đề gây khó khăn cho việc kiểm soát giá bất động sản cần nhận diện rõ là việc thiếu thông tin về hạ tầng. Thiếu thông tin chính thức về việc mở đường, xây cầu, xây dựng công viên, hồ điều hòa… dẫn đến hai hệ quả chính.
Khu đô thị phía Tây Hồ Tây. Ảnh: Công HùngThứ nhất là một bộ phận không nhỏ người làm môi giới bất động sản lợi dụng việc người dân thiếu thông tin, “tung hỏa mù”, tự đưa thông tin một chiều, không chính xác, mà hầu hết là dưới dạng các dự án hạ tầng chuẩn bị khởi công, xây dựng, sắp hoàn thành… dựa vào đó để thổi giá nhà đất, tạo sóng ảo. Thậm chí, nhiều DN bất động sản còn xây dựng cả trang web, quảng cáo thông tin thiếu chính xác về hạ tầng để dễ dàng qua mắt người dân hơn.
Thứ hai là người dân không biết tìm thông tin chính xác ở đâu, không ít người tin theo thông tin do môi giới tung ra, bỏ tiền đầu tư vào bất động sản rồi lâm cảnh đóng băng nguồn tiền, nợ nần chồng chất.
Có chuyên gia đã nói: “Giao thông là mặt tiền của mọi mặt tiền”. Điều đó cho thấy giao thông có vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống xã hội. Những thông tin thất thiệt về các dự án giao thông có tác động mạnh mẽ đến giá bất động sản và tâm lý của người dân, góp phần quan trọng hình thành các bong bóng tài chính có thể vỡ tung bất cứ lúc nào.
Bởi vậy, muốn giảm thiểu tình trạng tin ảo làm dậy sóng ảo, tạo nên những nguy cơ thực tế cho nền kinh tế, Hà Nội cần có một địa chỉ uy tín, dễ tiếp cận để người dân tra cứu thông tin về hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông. Hiện hầu hết các sở, ngành của Hà Nội đều đã có website, cổng thông tin chính thức để giao tiếp với người dân.
Nhưng điều đáng nói là thông tin đăng tải trên những kênh này còn quá thiếu thốn, không đầy đủ, cập nhật chậm, không đáp ứng được mong mỏi của người dân. Ví dụ như hai đơn vị có thông tin mà người dân cần nhất là: Sở GTVT, Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội đều thiếu kênh thông tin đầy đủ, kịp thời cho người dân về các dự án giao thông.
Thiết lập kênh thông tin chính thống
Thực tế nêu trên đòi hỏi Hà Nội phải nhanh chóng nghiên cứu, xem xét thiết lập một kênh thông tin chính thức, được cập nhật nhanh chóng, đầy đủ, chính xác thông tin về hạ tầng kỹ thuật, nhất là giao thông để người dân tiếp cận.
Kênh thông tin này sẽ là một vũ khí hữu hiệu để chống lại tin giả, tin ảo có dụng ý thổi giá bất động sản của một số cá nhân, tổ chức môi giới, kinh doanh bất động sản. Khi thông tin về hạ tầng được công khai, minh bạch, Chính quyền TP sẽ có thêm công cụ để kiểm soát giá nhà đất, tránh tình trạng thổi giá như thời gian qua.
Chúng ta đang có điều kiện rất thuận lợi nhờ cuộc cách mạng công nghệ. Người dân hầu hết đã sử dụng các thiết bị thông minh, mạng internet, mạng xã hội. Chỉ cần cho họ một địa chỉ uy tín để tra cứu thông tin sẽ giải quyết được rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn với kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, kênh thông tin về hạ tầng kỹ thuật có thể nghiên cứu kết hợp với thông tin về tiến độ, quy mô dự án một cách chính xác nhất. Hiện không ít người dân do thiếu hiểu biết về pháp luật, lại được chào mời không trung thực nên mua phải những bất động sản thiếu tính pháp lý hoặc bị đội giá. Nếu có kênh thông tin làm rõ cho người dân về mỗi dự án bất động sản và các vấn đề xung quanh sẽ đáp ứng được mong mỏi rất lớn của phần lớn Nhân dân Thủ đô.
Ngoài ra, Hà Nội cần quyết liệt với tình trạng tung tin ảo, thổi giá bất động sản, làm lũng đoạn thị trường nhà đất nói riêng và nền kinh tế nói chung. Với những website đưa thông tin không chính xác về hạ tầng kỹ thuật, giao thông cần xử phạt nặng cá nhân, tổ chức quản lý, vận hành, đồng thời ngăn chặn phát tán, thậm chí buộc dừng hoạt động.
Đây là hành vi rất nguy hiểm, cho thấy sự tư lợi, ích kỷ của một số người kinh doanh bất động sản, sẵn sàng lừa dối khách để kiếm lợi, bất chấp sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến cả nền kinh tế.
Mặt khác người dân cũng cần tỉnh táo, kiểm chứng thông tin, tránh tâm lý chạy theo phong trào, sóng ảo, đem tiền đầu tư vào những nơi bị thổi giá một cách tinh vi. Những thông tin về hạ tầng cần được tra cứu trên những kênh chính thống, chính thức của Nhà nước.
Hiện tượng thổi giá đất vùng ven không chỉ ảnh hưởng trong phạm vi khu vực ngoại thành. Nó còn khiến giá đất trong nội thành cũng tăng vọt theo cùng, gây ảnh hưởng tiêu cực sâu rộng cho cả TP. Muốn ngăn ngừa tình trạng này cần nhiều giải pháp đồng bộ, cần sự chung tay, vào cuộc của tất cả các sở, ngành, địa phương liên quan. Nhưng trước hết, cần đáp ứng mong mỏi của người dân về một kênh thông tin chuẩn mực các vấn đề, dự án hạ tầng của TP.
Hơn nữa việc công khai thông tin hạ tầng còn có tác dụng tích cực với công tác quản lý đô thị. Hiện Hà Nội đã đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, thiết lập cuộc sống số, xã hội số, công dân số. Thông qua chuyển đổi số, dần dần mọi thông tin về TP sẽ cần được công khai, minh bạch để người dân biết, cùng đánh giá và chung tay xây dựng với chính quyền TP.
Đăng thảo luận