Sau khi trẻ mắc sốt xuất huyết, rất nhiều gia đình mắc chứng "ám ảnh sốt xuất huyết" khiến cha mẹ vội vã đưa con đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu sốt đầu tiên.

Nhiều gia đình mắc chứng 'ám ảnh sốt xuất huyết'  第1张

Trẻ được khám sàng lọc sức khỏe trước khi tiêm vắc xin tại VNVC

Anh P.T.L., 41 tuổi, ngụ ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM, tự nhận anh bị mắc chứng "ám ảnh sốt xuất huyết". Khoảng 9 năm trước, ngày vợ anh sinh bé thứ hai và nghỉ thai sản ở nhà, không hiểu nguồn lây bệnh từ đâu mà vợ anh bị sốt xuất huyết. Sau đó ít ngày con trai anh chưa đầy 1 tháng tuổi cũng bị mắc căn bệnh này.

Lo nhất là mức độ nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết

Cũng may nhà anh L. ở gần bệnh viện. Anh hết đưa vợ đi khám rồi đến đưa con trai đi. Sợ nhất là những lúc vợ, con sốt cao, li bì... Cứ tưởng chỉ bị mắc sốt xuất huyết một lần thôi, ai dè chỉ mấy tháng sau vợ anh lại sốt cao, đi khám, các bác sĩ lại chẩn đoán mắc bệnh sốt xuất huyết.

Anh L. kể trước đó anh từng nghĩ sốt xuất huyết "ghé thăm" mỗi người cùng lắm một lần, ai dè lại có thể "ghé thăm liên tục" như thế. Và cũng từ năm đó, vợ chồng anh bị "ám ảnh" bởi căn bệnh sốt xuất huyết này. Cứ thấy trong nhà có ai bị sốt, anh vội đưa đi khám ngay cùng hiển hiện trong đầu hình ảnh vợ con mệt mỏi khi bị sốt xuất huyết năm nào.

  • Cảnh báo tình trạng tự mua thuốc điều trị sốt xuất huyết

  • Số ca mắc sốt xuất huyết tăng, nhiều ca chuyển nặng

Sáng 13-9, tại phòng 804, khoa sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, anh V.H.P., 37 tuổi, ngụ ở Bình Dương, cứ đứng yên nhìn con gái 8 tuổi mắc bệnh sốt xuất huyết đang nằm li bì trên giường bệnh với ánh mắt xót thương, lo lắng. "Bệnh này người lớn mắc cũng 'chịu không nổi', chứ đừng nói một bé nhỏ", anh P. than.

Anh P. kể khoảng một tuần trước, nhà đối diện nhà anh có người mắc sốt xuất huyết. Dù đã cho con ngủ mùng nhưng sáng chủ nhật ngày 8-9, con anh bắt đầu mệt, sốt, đến đêm thì sốt đến 40 độ C và nói nhảm. Vợ chồng anh đợi đến sáng đưa con lên thẳng Bệnh viện Nhi đồng 1 khám.

Hôm đó là ngày đầu bé bị sốt nên bác sĩ chỉ chẩn đoán sốt siêu vi. Bác sĩ khuyên vợ chồng anh nên cho con khám tại địa phương vì trên TP.HCM đang có dịch sởi. Nhưng vì quá lo lắng cho sức khỏe của con, sáng hôm sau hai vợ chồng anh lại đưa con lên Bệnh viện Nhi đồng 1 khám tiếp. Hôm kế tiếp, anh P. đưa con đến khám tại một bệnh viện tư ở Bình Dương thì được chẩn đoán sốt xuất huyết và nhập viện. 

Thấy con ngày càng mệt, anh đứng ngồi không yên, nên chiều 12-9 lại đưa con nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 1. Hai vợ chồng anh xin nghỉ việc, nhờ người chăm bé nhỏ tại nhà, lên đây thay nhau chăm con.

Gần đó, tại phòng 806, chị N.T.D., 40 tuổi, cũng đang chăm con trai 9 tuổi mắc bệnh sốt xuất huyết. Chị D. làm công nhân ở Bình Dương nhưng nhà chị ở Đồng Nai. Vừa rồi, chị đón con trai từ Đồng Nai qua chỗ làm chơi với chị hai tháng, sau đó cho bé về đi học. Con trai về nhà được một tuần thì mắc sốt xuất huyết. 

Trước đó, mấy nhà xung quanh nhà chị đều có trẻ mắc sốt xuất huyết. Lúc đầu, chị đưa con đến khám tại một cơ sở tư nhân. Hai ngày sau thấy con mệt quá nên ngày 11-9 đã đưa con lên Bệnh viện Nhi đồng 1 khám và được nhập viện.

Bác sĩ CKI Bạch Thị Chính, giám đốc y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết bệnh sốt xuất huyết rất nguy hiểm do có thể gây ra các biến chứng nặng như sốc xuất huyết, xuất huyết nặng, tích tụ dịch, suy hô hấp, suy đa tạng nặng (tổn thương gan, thần kinh trung ương, tim và các cơ quan khác), thậm chí tử vong.

Diễn tiến sốt xuất huyết rất khó lường, không thể đoán trước được, có thể vào sốc, thoát dịch, suy đa tạng và tử vong mặc dù không có dấu hiệu cảnh báo.

Hiện nay bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ có thể điều trị triệu chứng với ca nhẹ và điều chỉnh các rối loạn bệnh sinh với những ca nặng.

Trẻ lớn, người lớn mắc bệnh sốt xuất huyết có xu hướng tăng

TS.BS Nguyễn Minh Tuấn, trưởng khoa sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết số ca mắc bệnh sốt xuất huyết nhập bệnh viện này tăng nhẹ so với những tháng trước đó. Hiện nay trung bình mỗi ngày khoa sốt xuất huyết có 30-40 trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết nằm điều trị, trong đó có khoảng 10% số ca bệnh có triệu chứng từ mức độ cảnh báo đến mức độ nặng.

Những bệnh nhi mắc bệnh sốt xuất huyết này có các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, da xung huyết, đau cơ, đau khớp, kết quả xét nghiệm máu có hiện tượng thay đổi của các chỉ số tế bào máu. Những bệnh nhi này thường ăn uống kém và một số bệnh nhi sẽ có dấu hiệu cảnh báo như nôn ói, đau bụng, xuất huyết niêm mạc gồm chảy máu mũi, chảy máu răng… Khi có những dấu hiệu cảnh báo này trẻ cần nhập viện để theo dõi.

Bên cạnh đó, tại khoa sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng có những trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, trẻ bị dư cân béo phì mắc bệnh sốt xuất huyết. Đây là những bé có nguy cơ cao, có thể diễn tiến nặng khi mắc bệnh sốt xuất huyết nên cần được nhập viện.

Còn bác sĩ CKI Bạch Thị Chính cho rằng sốt xuất huyết là một vấn đề sức khỏe cộng đồng, gây ra gánh nặng đáng kể cho cả cá nhân, gia đình và xã hội. Bác sĩ Chính phân tích, sốt xuất huyết gây nên gánh nặng kinh tế ở những vùng lưu hành dịch. Trong đó, phải kể đến chi phí trực tiếp, chi phí gián tiếp, gánh nặng về xã hội, gánh nặng về con người.

Cụ thể, trong năm 2022, chi phí trực tiếp bao gồm chi phí y tế, thăm khám, nhập viện, cấp cứu, di chuyển, nuôi bệnh cho một ca nặng do sốt xuất huyết lên đến hàng trăm triệu đồng.

Chi phí gián tiếp phải kể đến là giảm năng suất lao động, mất ngày làm việc, giảm khả năng học tập, ảnh hưởng đến các bệnh lý khác trong hệ thống y tế, chi phí cho giám sát dịch bệnh, vắc xin, kiểm soát vector, truyền thông phòng bệnh…

Số ca mắc sốt xuất huyết nếu nhiều sẽ tạo áp lực lên hệ thống y tế công và tổn hao ngân sách quốc gia cho phòng ngừa và kiểm soát bệnh. Đây chính là gánh nặng về xã hội.

Sốt xuất huyết ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và chức năng xã hội của cả người bệnh và người chăm sóc. Đây là gánh nặng về con người.

Trong giai đoạn cấp mắc bệnh sốt xuất huyết, bệnh nhân còn phải nghỉ học, nghỉ làm, có thể nhập viện.

Nhiều nghiên cứu cho thấy hiện nay sau khi trẻ mắc sốt xuất huyết, rất nhiều gia đình mắc chứng "ám ảnh sốt xuất huyết" khiến cha mẹ vội vã đưa con đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu sốt đầu tiên.

Bác sĩ Chính khuyến cáo người dân tăng cường phòng sốt xuất huyết bằng phòng muỗi đốt bằng cách ngủ mùng, sử dụng thuốc chống muỗi, phát quang bụi rậm, vệ sinh nhà cửa, ao nước tù đọng, tiêm ngừa khi có vắc xin.

VNVC sớm đưa vắc xin sốt xuất huyết về Việt Nam

Tháng 5-2024, vắc xin sốt xuất huyết do Tập đoàn dược phẩm Takeda (Nhật Bản) sản xuất đã được Bộ Y tế phê duyệt tại Việt Nam. Là đối tác chiến lược toàn diện với Takeda, Hệ thống tiêm chủng VNVC với gần 200 trung tâm tiêm chủng hiện đại, an toàn trên toàn quốc đang nỗ lực đưa vắc xin sốt xuất huyết về Việt Nam để triển khai tiêm sớm nhất cho người dân cả nước. Vắc xin phòng 4 type virus sốt xuất huyết (D1, D2, D3, D4), phòng bệnh an toàn, hiệu quả cho người từng mắc và chưa mắc sốt xuất huyết.

Talk show, giao lưu trực tuyến "Phòng chống bệnh sốt xuất huyết: Vắc xin và các biện pháp bảo vệ"

Tại Việt Nam, trong 5 năm gần đây, dịch tễ sốt xuất huyết có diễn biến ngày càng phức tạp. Từ đầu năm đến nay, TP.HCM có khoảng 6.600 ca mắc bệnh sốt xuất huyết và trong tuần gần nhất TP.HCM có 226 ca sốt xuất huyết.

Để cung cấp những kiến thức về bệnh sốt xuất huyết, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Hệ thống tiêm chủng VNVC tổ chức talk show kết hợp giao lưu trực tuyến "Phòng chống bệnh sốt xuất huyết: Vắc xin và các biện pháp bảo vệ", được tổ chức từ 9h-11h ngày 14-9.

Các chuyên gia tham dự buổi talk show và giao lưu trực tuyến gồm có ThS.BS Lê Hồng Nga - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, TS.BS Nguyễn Minh Tuấn - trưởng khoa sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM và BS.CKI Bạch Thị Chính - giám đốc y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC.