Theo các chuyên gia quốc tế, 46% nội dung độc hại trên các trang web vi phạm bản quyền là lừa đảo, nếu thẻ tín dụng được sử dụng để đăng ký thuê bao vi phạm bản quyền trực tuyến thì khả năng bị gian lận thẻ cao gấp 4 lần.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong phát biểu khai mạc hội nghị - Ảnh: BTC
Các cảnh báo được đưa ra tại ngày đầu tiên của Hội nghị quốc tế về thực thi bản quyền trên môi trường số, diễn ra trong năm ngày liên tục ở Hà Nội, bắt đầu từ hôm nay, 17-6.
Hội nghị do Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam) và Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tổ chức, với sự tham dự của 70 chuyên gia đến từ 15 quốc gia tại các khu vực Đông Nam Á, châu Phi, Ả Rập và châu Mỹ Latin.
Châu Âu và các nước phát triển cũng tràn ngập vi phạm bản quyền trên môi trường số
Tham luận về chủ đề "Các nguy cơ liên quan đến việc sử dụng nội dung xâm phạm bản quyền", bà Sheila Cassells - phó chủ tịch điều hành Liên minh chống vi phạm bản quyền nghe nhìn, London, Anh - cho biết châu Âu mặc dù có khung pháp lý và quy định mạnh mẽ hỗ trợ cải thiện an ninh mạng, nhưng thực tế người tiêu dùng vẫn bị ảnh hưởng.
Theo điều tra của Cơ quan thuế Thụy Điển (Skatteverket), ở Thụy Điển 8,6% dân số truy cập các kênh truyền hình bất hợp pháp, đứng thứ 4 ở châu Âu.
TIN LIÊN QUANHollywood tham gia cuộc chiến chống vi phạm bản quyền anime và manga
Pháp phạt Google 250 triệu euro vi phạm bản quyền tin tức
Nhật Bản và Trung Quốc hợp tác 'hạ gục' trang web vi phạm bản quyền anime
Bà Sheila Cassells dẫn báo cáo kinh tế năm 2022 về IPTV bất hợp pháp ở châu Âu của Đại học Bournemouth cho biết, doanh thu bất hợp pháp được tạo ra bởi các nhà cung cấp IPTV vi phạm bản quyền là 1,06 tỉ euro.
Nhưng tổn thất về doanh thu của các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền hợp pháp là 3,21 tỉ euro.
Ông Michael Schlesinger - phó chủ tịch, cố vấn pháp lý khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Hiệp hội Điện ảnh, Singapore cho biết 17,1 triệu người châu Âu sử dụng các dịch vụ IPTV (truyền hình giao thức Internet) bất hợp pháp.
Nhật Bản có 471 triệu lượt truy cập mỗi tháng tới 1.090 trang web vi phạm bản quyền trực tuyến, tính từ tháng 7-2021 đến tháng 7-2022.
Số liệu trên toàn cầu năm 2022 có 191,8 tỉ lượt truy cập vào các trang web vi phạm bản quyền phim và truyền hình.
Bà Sheila Cassells - phó chủ tịch điều hành của Liên minh chống vi phạm bản quyền nghe nhìn, London, Anh - Ảnh: T.ĐIỂU
Cẩn thận bị mất tiền qua thẻ tín dụng
Theo bà Sheila Cassells, các rủi ro mạng được xác định có thể dẫn đến hành vi trộm cắp danh tính và gian lận danh tính, đồng thời có khả năng cung cấp quyền truy cập từ xa và vi phạm dữ liệu.
Các trang web vi phạm bản quyền có nguy cơ lây nhiễm phần mềm độc hại cao nhất đối với người tiêu dùng Ấn Độ (59%), tiếp theo là truy cập quảng cáo trong ngành dành cho người lớn (57%) và truy cập quảng cáo cờ bạc (53%).
Người dùng Internet sử dụng thẻ tín dụng để đăng ký các dịch vụ phát trực tuyến vi phạm bản quyền bất hợp pháp để có quyền truy cập vào phim, chương trình truyền hình và trò chơi sẽ phải đối mặt với nguy cơ nghiêm trọng là thẻ của họ bị tính các khoản phí mà họ không muốn.
Ông Michael Schlesinger cũng cho biết nếu thẻ tín dụng được sử dụng để đăng ký thuê bao vi phạm bản quyền trực tuyến thì khả năng bị gian lận thẻ tín dụng cao gấp 4 lần.
Ông cho hay 46% nội dung độc hại trên các trang web trộm nội dung là lừa đảo.
Hội thảo tiếp tục diễn ra hết tuần này. Các đại biểu tham luận về các nội dung như: giới thiệu về hệ thống thực thi quyền tác giả của các quốc gia; giá trị của bản quyền và sự đóng góp của các ngành công nghiệp sáng tạo cho nền kinh tế;
Các phương thức vi phạm bản quyền trực tuyến phổ biến và các mối đe dọa liên quan đến việc sử dụng nội dung vi phạm bản quyền; sự phát triển quốc tế trong thực thi và quản lý trực tuyến; thẩm quyền và luật áp dụng trong tranh chấp bản quyền trực tuyến; phương thức giải quyết vi phạm bản quyền trực tuyến...
Vi phạm bản quyền khiến Việt Nam thiệt hại 350 triệu USD năm 2022
Trong báo cáo thứ hai về "các phương thức vi phạm bản quyền trực tuyến phổ biến", bà Sheila Cassells cho biết Việt Nam đứng thứ ba khu vực về tỉ lệ vi phạm bản quyền, với 15,5 triệu người thường xuyên truy cập các trang web lậu.
Năm 2022, vấn đề vi phạm bản quyền khiến Việt Nam thiệt hại 350 triệu USD.
Bà Phạm Thị Kim Oanh - phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam - thừa nhận dù đã có nhiều nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý, thực thi, nhưng tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường kỹ thuật số vẫn đang diễn ra ngày càng phức tạp; vẫn còn tình trạng những người sáng tạo vi phạm bản quyền của nhau.
Đăng thảo luận